Thứ Tư, 15/01/2025 23:54:56 GMT+7
Lượt xem: 711

Tin đăng lúc 18-12-2024

Tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt: Ngành thuốc lá lo ngại thuốc lá nhập lậu gia tăng

Chiều 17/12/2024 tại Hà Nội, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) tổ chức Hội nghị triển khai công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2025. Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt: Ngành thuốc lá lo ngại thuốc lá nhập lậu gia tăng
Đồng chí Hà Quang Hòa – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Vinataba báo cáo tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị, có đồng chí Trần Thắng – Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; cùng đại diện lãnh đạo Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ, Vụ Công nghiệp và Văn phòng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp).

 

Về phía Vinataba, có đồng chí Hồ Lê Nghĩa – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên; đồng chí Trần Thị Hoàng Mai – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy; đồng chí Hà Quang Hòa – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát và đại diện các Ban chức năng và đơn vị thành viên của Tổng công ty.

 

Xuất khẩu tăng trưởng cao

 

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Hà Quang Hòa – Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Vinataba cho biết: Năm 2024, trong bối cảnh địa chính trị diễn biến phức tạp, nền kinh tế toàn cầu nhiều biến động, phục hồi chậm. Trong nước, ngành thuốc lá tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn: hoạt động buôn bán thuốc lá nhập lậu gia tăng, đặc biệt tại khu vực biên giới Tây Nam Bộ; áp lực cạnh tranh trong ngành diễn ra gay gắt; thuốc lá thế hệ mới gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thuốc lá điếu truyền thống của ngành thuốc lá nội địa; giá nguyên liệu tăng cao. Song được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan, Vinataba đã từng bước vượt qua khó khăn, triển khai tốt công tác sản xuất, kinh doanh và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị.

 

Theo đồng chí Hà Quang Hòa, năm 2024, tổng doanh thu của Vinataba đạt trên 35.000 tỷ đồng, hoàn thành 115% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 15.500 tỷ đồng; thu nhập bình quân tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 25 triệu đồng/người/tháng. Với định hướng chiến lược tập trung phát triển các sản phẩm chất lượng cao, mở rộng quy mô thị trường nội địa, triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển thị trường, sau nhiều năm, thị phần của Tổng công ty đã có bước tăng trưởng 2,5% điểm và chiếm 65,7% thị phần toàn ngành.

 

Hoạt động xuất khẩu của Vinataba tiếp tục tăng trưởng về sản lượng và kim ngạch, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh thông qua việc tham gia các hội chợ quốc tế có quy mô lớn. Cùng với hai đầu mối xuất khẩu chính là Công ty Thuốc lá Sài gòn và Công ty Thuốc lá Thăng Long, các đơn vị Thuốc lá Thanh Hóa, Bến Tre, Cửu Long, Long An, Đồng Tháp, An Giang đều nỗ lực, củng cố thị trường truyền thống, đồng thời tìm kiếm và phát triển các thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 300 triệu USD, hoàn thành 140% kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng xuất khẩu ước đạt 1.789 triệu bao, hoàn thành 119% kế hoạch.

 

Công tác nguyên liệu ghi nhận sự nỗ lực lớn của Công ty cổ phần Ngân Sơn và Hòa Việt. Diện tích gieo trồng đạt 109% kế hoạch, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu mua tăng 19% so với cùng kỳ. Sản lượng nguyên liệu chế biến của các đơn vị đạt 164% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu thuốc lá xấp xỉ 15 triệu USD, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

 

Công tác chuyển đổi số tại Vinataba đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và ban hành các quy chế, quy định, kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2024 – 2025, định hướng đến năm 2030; định hướng các đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các hoạt động nghiên cứu khoa học vào sản xuất, kinh doanh; thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và góp phần đổi mới, hiện đại hóa năng lực quản trị.

 

Song song với phát triển sản xuất, kinh doanh, trách nhiệm xã hội luôn được các đơn vị thành viên của Vinataba đặc biệt chú trọng. Năm 2024, Tổng công ty phụng dưỡng 10 Mẹ Việt Nam anh hùng, 7 thương binh nặng; xây tặng 52 nhà tình nghĩa, 2 nhà cộng đồng, 30 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; hỗ trợ kinh phí xây dựng đường giao thông, chăm lo cho quân, dân đảo Trường Sa, giúp đỡ người nghèo. Đặc biệt, toàn thể công nhân, viên chức, lao động Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã tích cực hưởng ứng, đóng góp hỗ trợ đồng bào các địa phương bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Tổng số tiền ủng hộ, hỗ trợ năm 2024 là trên 22 tỉ đồng.

 

 

Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận định: Vinataba đã có một năm gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Những kết quả trên đã cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty trong năm 2024 có sự ổn định và vẫn luôn bám sát các chỉ đạo của Ủy ban; đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. “Thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Ủy ban, tôi ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực của toàn Tổng công ty; đồng thời, cũng đánh giá cao và chân thành cảm ơn sự phối hợp tích cực của Lãnh đạo Vinataba và các đơn vị thành viên của Tổng công ty với các đơn vị thuộc Ủy ban trong suốt thời gian qua” – Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.

 

Nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh

 

Theo người đứng đầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2025 sẽ là khoảng thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV. Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đề nghị Vinataba cần đặc biệt chú trọng một số vấn đề trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, Tổng công ty cần tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển đến năm 2035, Kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021 – 2025 và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021 – 2025 đã được phê duyệt; góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư hằng năm và 5 năm; định hướng xây dựng Kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2026-2030. Vinataba cũng cần tăng cường công tác giám sát chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ được giao, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh và quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty và hiệu quả vốn đầu tư tại doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ủy ban sẽ kết thúc hoạt động và chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty về các bộ, cơ quan liên quan. “Tôi hy vọng rằng, dù có sự thay đổi về cơ quan đại diện chủ sở hữu, Vinataba vẫn luôn nỗ lực cố gắng, phát huy tối đa năng lực, trách nhiệm để vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Tôi cũng chân thành cảm ơn Ban Lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã đóng góp vào sự phát triển của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong hơn 6 năm qua” – Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.

 

Không ngừng nỗ lực để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2025

 

 

Đồng chí Hồ Lê Nghĩa – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinataba phát biểu đáp từ ý kiến chỉ đạo của cấp trên

 

Phát biểu đáp từ ý kiến chỉ đạo của cấp trên, đồng chí Hồ Lê Nghĩa – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinataba khẳng định: Tổng công ty sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của cấp trên và cam kết sẽ cùng tập thể cán bộ đảng viên và người lao động Tổng công ty không ngừng nỗ lực để thực hiện tốt nhất những định hướng chỉ đạo trong các mặt công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2025. Thay mặt Vinataba, đồng chí Hồ Lê Nghĩa gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã luôn quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ để Tổng công ty có được kết quả trong những năm qua. “Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2025, Vinataba mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo cấp trên cũng như sự chung sức đồng lòng của toàn thể cán bộ người lao động Tổng công ty” – đồng chí Hồ Lê Nghĩa nhấn mạnh.

 

Kiến nghị lộ trình tăng thuế thu nhập đặc biệt phù hợp

 

Theo đồng chí Hồ Lê Nghĩa, Trong điều kiện ngày càng phải đối diện với những khó khăn của ngành thuốc lá, mà trước hết, sắp hiện hữu là Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, việc đặt ra các mục tiêu tăng trưởng như nhiều năm vừa qua là vô cùng khó khăn. Với phương pháp thuế hỗn hợp và mức tính thuế mới như dự thảo đã được Quốc Hội thảo luận trong kỳ họp vừa qua thì tổng sản lượng toàn Tổng công ty cũng như toàn ngành có thể sụt giảm từ 30% đến 50% sau năm 2026. Do đó, Vinataba cần định hình lại chiến lược từ tăng trưởng về lượng sang tăng tưởng về chất.

 

Liên quan đến Luật thuế TTĐB, vừa qua, Hiệp hội thuốc lá Việt Nam đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc Hội về dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đối với sản phẩm thuốc lá lần này, trong đó có 2 kiến nghị quan trọng:

 

Một là, mức tăng thuế và lộ trình tăng thuế cần xem xét thực trạng và những đóng góp của ngành thuốc lá Việt Nam đối với ngân sách nhà nước và việc xóa đói giảm nghèo ở các vùng sâu vùng xa.

 

Hiệp hội đã triển khai thực hiện nghiêm túc Luật thuế TTĐB hiện hành, trong đó thuế suất đối với sản phẩm thuốc lá năm 2008 là 65%; năm 2016 là 70%; năm 2019 là 75%. Đồng thời nhận thức rõ trách nhiệm về việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng đã được Chính phủ phê duyệt tại Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.

 

Hiện nay, tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp trong Hiệp hội đạt khoảng 18.000 tỷ đồng và tổng tài sản gần 40.000 tỷ đồng. 100% giá trị vốn và tài sản này là của các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Hàng năm, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 19.000 tỷ đồng. Riêng Vinataba, năm 2023 đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 16.000 tỷ đồng (gồm cả thuế TTĐB, thuế môi trường và phí), đứng thứ 6 trong khối doanh nghiệp nhà nước.

 

 

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh trao Cờ thi đua của Ủy ban cho các đơn vị thành viên của Vinataba có thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2024

 

Như vậy, có thể thấy mức đóng góp cho ngân sách hàng năm lớn hơn tổng số vốn được nhà nước cấp trong nhiều chục năm qua, phản ánh hiệu quả rất cao về mặt kinh tế của ngành, đảm bảo công ăn việc làm cho gần 11.000 lao động trực tiếp; đầu tư, hỗ trợ cho hơn 90.000 nông dân trồng nguyên liệu thuốc lá. Các vùng chuyên canh trồng cây thuốc lá hầu hết đều tập trung tại các vùng biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Cao Bằng, Lạng Sơn, Gia Lai, Đắk Lắk…Cây thuốc lá đã trở thành cây đem lại thu nhập khá cho người nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo ổn định kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng tại các địa bàn biên giới có vùng trồng.

 

Hai, mức tăng thuế và lộ trình tăng thuế cần xem xét thấu đáo quan hệ giữa việc tăng thuế “sốc” với việc tăng “sốc” thuốc lá nhập lậu, đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong vấn đề này.

 

Thực tiễn các quốc gia cho thấy khi mức thuế TTĐB tăng sẽ làm gia tăng hàng nhập lậu đối với hầu hết các loại hàng hóa. Tùy vào điều kiện cụ thể của mỗi nước mà mức gia tăng hàng nhập lậu có sự khác nhau. Đối với thuốc lá, điều này đã được chứng minh ở nhiều nước, điển hình là Úc, Malaysia, Indonesia, Philippines và một số nước Âu châu với lượng thuốc nhập lậu tăng gấp hơn 2 lần sau khi tăng thuế “sốc”.

 

Trước đây, mỗi lần tăng mức thuế thêm 5% với độ giãn cách 3 năm mỗi lần thì giá thuốc lá trong nước tăng không nhiều và các doanh nghiệp trong nước có thời gian để điều chỉnh phương án ứng phó với thuốc lá nhập lậu (kể cả thuốc lá nhập lậu giá rẻ). Nhưng với dự thảo tăng thuế lần này, vấn đề sẽ rất nghiêm trọng đối với ngành thuốc lá trong nước và có thể ảnh hưởng đến mục tiêu thu ngân sách vì một số lý do sau:  Ở các nước có mức thuế cao, mỗi lần tăng thuế đều có lộ trình phù hợp để các doanh nghiệp có đủ thời gian điều chỉnh chiến lược giá và phương án kinh doanh và cũng chưa có nước nào tăng sốc như vậy để đảm bảo hài hòa các mục tiêu, đặc biệt là kiềm chế thuốc lá nhập lậu (thế mà nhiều nước vẫn không đạt được mục tiêu này).

 

Vì chưa có tiền lệ nên nếu tăng thuế như dự thảo lần này thì chưa thể hình dung lượng thuốc lá nhập lậu tăng lên bao nhiêu lần. Nếu thuốc lá nhập lậu tăng “sốc” vì lợi thế rất lớn về giá khi trốn các loại thuế/phí thì liệu có đảm bảo được 2 mục tiêu là giảm người hút và tăng thu ngân sách không (Úc là ví dụ điển hình).

 

Với mức thuế tăng thêm và tăng liên tục hàng năm như dự thảo lần này thì các doanh nghiệp trong nước không thể ứng phó kịp để cạnh tranh với thuốc lá lậu sẽ dẫn đến suy giảm nghiêm trọng hiệu quả kinh doanh, thậm chí thua lỗ và lãng phí tài sản của nhà nước (hầu hết các doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước). Vấn đề này không xuất phát từ quản trị doanh nghiệp mà là từ chính sách.

 

“Vì vậy, chúng tôi kính mong Chính phủ, Quốc hội quan tâm chỉ đạo để Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đối với sản phẩm thuốc lá lần này có mức tăng và lộ trình tăng phù hợp nhằm tạo điều kiện cho ngành thuốc lá có đóng góp ngày càng cao hơn cho ngân sách nhà nước và đảm bảo việc làm cho hàng vạn lao động” – đồng chí Hồ Lê Nghĩa cho biết.

 

Thúy Hà


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang