Thứ Bẩy, 23/11/2024 18:47:23 GMT+7
Lượt xem: 5796

Tin đăng lúc 31-07-2018

Tăng thuế VAT có tác động thế nào tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế?

Xung quanh vấn đề Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% áp dụng từ ngày 01/01/2019, PGS.TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nguyên thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã cung cấp một số thông tin cho Báo chí. Ông cho rằng: “Tăng thuế VAT chưa chắc đã cải thiện được thu ngân sách nếu như việc tăng thuế làm giảm sản xuất và tiêu dùng”.
Tăng thuế VAT có tác động thế nào tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế?
PGS.TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách

PV: Xin ông cho biết, đóng góp của tổng thu thuế, thuế trực thu và gián thu vào ngân sách hiện nay ra sao?

 

PGS.TS Nguyễn Đức Thành: Thuế là nguồn thu lớn nhất cho ngân sách nhà nước, chiếm khoảng 75-80% tổng thu ngân sách qua các năm. Tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế đạt khoảng 18-20% GDP mỗi năm. Hiện có 11 loại thuế chính đóng góp cho ngân sách nhà nước. Tại Việt Nam, thuế trực thu bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); thuế thu nhập cá nhân (TNCN); thuế môn bài và các loại thuế tài sản (thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng phi nông nghiệp, lệ phí trước bạ). Thuế gián thu được hiểu là bao gồm thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Thuế tài nguyên không được phân định rõ ràng thuộc 2 loại trên.

 

PV: Việc tăng thuế giá trị gia tăng đóng góp như thế nào vào thu ngân sách và giảm thâm hụt ngân sách?

 

PGS.TS Nguyễn Đức Thành: Thuế giá trị gia tăng VAT là một nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Do đó, tăng thuế VAT sẽ tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Kết quả tính toán của chúng tôi cho thấy, khi tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng thêm 20%, tức là tăng mức thuế suất thuế hiện hành 5% lên 6% và tăng mức thuế suất 10% lên 12%, thu ngân sách từ thuế sẽ tăng thêm 4,9% hay tương đương với khoảng 1,0% GDP.

Tuy nhiên, thuế VAT đánh vào các sản phẩm khác nhau có tác động tăng thu ngân sách khác nhau. Trong phương án tăng thuế suất thuế VAT thêm 20%, 90% số thu ngân sách gia tăng được tạo ra từ việc tăng thuế VAT đánh vào hàng hóa phi nông nghiệp. Tăng thuế suất VAT đánh vào nông sản chỉ có tác động hạn chế đối với thu ngân sách, đóng góp khoảng 10% vào số thu ngân sách tăng thêm. Bên cạnh đó, do sản xuất nông nghiệp chủ yếu diễn ra trong các nông hộ nhỏ, việc quản lý thuế và thu thuế VAT đối với nông sản cũng gặp nhiều khó khăn và hạn chế khả năng tăng thu thuế VAT từ nông nghiệp.

 

PV: Vậy, tăng thuế giá trị gia tăng có tác động như thế nào tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế?

 

PGS.TS Nguyễn Đức Thành: Tăng thuế VAT làm giảm chi tiêu và thu nhập thực tế của các hộ gia đình. Mô phỏng sử dụng mô hình cân bằng khả toán cho thấy, tiêu dùng của các hộ gia đình giảm khoảng 0,94% khi tăng 20% thuế suất VAT. So với thuế VAT đánh vào các sản phẩm phi nông nghiệp, tăng thuế VAT đánh vào nông sản có tác động hạn chế đối với thu ngân sách, nhưng có tác động mạnh tới chi tiêu và cuộc sống của người dân. Điều này xuất phát từ thực tế là lương thực và thực phẩm chiếm một tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu chi tiêu của các hộ gia đình Việt Nam.

 

 

 

Tính toán sử dụng mô hình cân bằng khả toán cho thấy, khi tăng thuế giá trị gia tăng đánh vào nông sản, cứ mỗi một phần trăm tăng thu ngân sách làm giảm tiêu dùng của các hộ gia đình khoảng 0,5%. Trong khi đó, mức giảm tiêu dùng của các hộ gia đình ít hơn 0,2% cho mỗi một điểm phần trăm tăng thu ngân sách khi tăng thuế VAT đánh vào các mặt hàng phi nông nghiệp. Phương án tăng thuế suất VAT được đề xuất (tăng 20% thuế suất VAT) tác động không đáng kể đến sản lượng và GDP do sự giảm xuống trong tiêu dùng của các hộ gia đình được bù đắp bởi đầu tư gia tăng.

 

PV: Theo ông, tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng ra sao đối với người tiêu dùng?

 

PGS.TS Nguyễn Đức Thành: Trong nghiên cứu này, chúng tôi dự báo tác động của việc tăng thuế VAT lên phúc lợi hộ gia đình được đo lường bằng chi tiêu bình quân. Chúng tôi dự báo tác động của hai kịch bản hay phương án điều chỉnh thuế VAT. Phương án 1 là tăng thuế VAT lên 1,2 lần, tức là các mặt hàng đang chịu thuế VAT 5% và 10% sẽ chịu thuế 6% và 12%. Phương án 2 áp dụng mức thuế suất chung 10% cho các mặt hàng, theo đó các mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ chịu thuế 10%. Kết quả cho thấy là phương án 1 có tác động mạnh hơn lên hộ gia đình so với phương án 2. Cụ thể phương án 1 làm tiêu dùng của hộ giảm đi 0,89%, còn phương án 2 thì làm tiêu dùng của hộ giảm đi 0,32%.

 

PV: Tăng thuế VAT có ảnh hưởng lên người nghèo hay không?

 

PGS.TS Nguyễn Đức Thành: Tăng thuế VAT ảnh hưởng lên tất cả các hộ gia đình. Đối với người nghèo và cận nghèo thì tăng VAT có ảnh hưởng đáng kể. Các hộ cận nghèo có thể bị giảm chi tiêu thực tế và rơi vào nghèo. Chúng tôi dự báo rằng tỷ lệ nghèo có thể tăng thêm 0,26 điểm phần trăm nếu như thuế VAT được tăng theo phương án 1, và tăng thêm 0,22 điểm phần trăm nếu như thuế VAT được tăng theo phương án 2. Số lượng người nghèo tăng lên theo hai phương án tương ứng vào khoảng là 240 nghìn và 202 nghìn người.

 

PV: Vậy thuế VAT nên được điều chỉnh ra sao?

 

PGS.TS Nguyễn Đức Thành: Trong dài hạn thì việc nâng cao hiệu quả chi ngân sách mới đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thâm hụt ngân sách. Tăng thuế VAT chưa chắc đã cải thiện được thu ngân sách nếu như việc tăng thuế làm giảm sản xuất và tiêu dùng. Liên quan đến hai phương án trong nghiên cứu này thì phương án 2, tức là áp dụng mức thuế VAT 10% cho các mặt hàng (trừ y tế và giáo dục), có tác động lên nghèo đói thấp hơn phương án 1. Việc áp dụng thuế suất chung cũng tạo thuận lợi cho việc thu thuế. Tuy nhiên, phương án 2 cũng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến các hộ có thu nhập thấp. Do vậy, Nhà nước cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế VAT trong thời gian tới vì đây là việc đánh đổi giữa tăng ngân sách với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo của Việt Nam.

 

PV: Xin trận trọng cảm ơn ông! 

 

Nguyễn Long Trọng (thực hiện)


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang