Vừa chơi, vừa khám phá
Gần đây, khái niệm “game hóa” (gamification) - là xu hướng đưa các trò chơi, hoạt động giải trí vào sản phẩm du lịch, được các đơn vị kinh doanh du lịch sử dụng khá phổ biến, góp phần làm tăng thêm tính hấp dẫn cho sản phẩm.
Tại Hà Nội, hình thức “game hóa” trong sản phẩm du lịch được nhiều đơn vị thí điểm đạt hiệu quả. Năm 2020, Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội xây dựng sản phẩm tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” với nhiều trải nghiệm mới lạ, điểm nhấn là đưa trò chơi “giải mã” vào hành trình tour. Trước khi tham gia tour, du khách được đơn vị tổ chức cung cấp phiếu trò chơi, kết thúc hành trình tham quan, du khách sẽ giải những câu đố dựa trên những thông tin, hình ảnh được giới thiệu trong tour và nhận phần thưởng.
Gần đây, tour du lịch đạp xe “Dấu chân làng cổ Bát Tràng” của Công ty Lữ hành Hanoitourist và UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) cũng thu hút nhiều du khách. Không chỉ trải nghiệm đạp xe, du khách còn được chia đội để tham gia trò chơi tìm hiểu các di tích trong làng Bát Tràng, chụp ảnh theo những bức ảnh mà Ban Tổ chức cung cấp. Chị Nguyễn Thu Hương (phường Kim Mã, quận Ba Đình) chia sẻ sau khi trải nghiệm tour xe đạp: “Sản phẩm này khá thú vị và đáng nhớ, không chỉ giúp du khách tham quan, mà còn được vui chơi, thư giãn”.
Tương tự, khách sạn SOJO Hà Nội giới thiệu nhiều sản phẩm trải nghiệm cho khách lưu trú. Trưởng ban Định hình phong cách khách sạn SOJO Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, khách sạn thiết kế các không gian để khách chủ động thiết lập theo sở thích, như: Khách tự điều chỉnh hệ thống ánh sáng, âm thanh trên điện thoại cá nhân hoặc có thể tham gia nhiều trò chơi thư giãn tại không gian công cộng… “Khách được trải nghiệm không gian sống theo ý thích, thư giãn bằng nhiều trò chơi. Cách làm này giúp du khách có thêm hứng thú và quay trở lại sử dụng sản phẩm”, bà Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.
Khách du lịch trải nghiệm tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” được tham gia trò chơi, tìm hiểu kiến thức về Hoàng thành Thăng Long
Thay đổi tư duy làm sản phẩm
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), đến năm 2030, khách du lịch tìm kiếm sản phẩm tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí chiếm 54% tổng lượng khách du lịch quốc tế; với mục đích thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe và tôn giáo chiếm khoảng 31%; vì mục đích công việc chiếm 15%. Điều này cũng đặt ra những thách thức mới cho những người làm du lịch trong việc xây dựng sản phẩm có tính giải trí, trải nghiệm cao.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Le Invest Lê Quốc Vinh cho rằng, sau dịch Covid-19, du khách có nhu cầu giải trí, vui chơi trong các chuyến du lịch. Để đạt được yếu tố “vui”, các đơn vị kinh doanh du lịch cần thay đổi tư duy làm sản phẩm, chú trọng nâng cao trải nghiệm, nhất là những trải nghiệm mang tính cá nhân. Cùng chung quan điểm, Giám đốc khách hàng Công ty Phân tích dữ liệu người tiêu dùng NielsenIQ Việt Nam Đặng Thúy Hà cho hay, có 3 yếu tố khách hàng quan tâm nhất khi đi du lịch là trải nghiệm được cá nhân hóa (chiếm 82%), tiêu chuẩn an toàn (81%), sự riêng tư (58%). “Xu hướng riêng biệt và an toàn trong hoạt động du lịch được đặt lên hàng đầu, nên cuộc đua xây dựng sản phẩm trải nghiệm trong ngành dịch vụ trở nên khắc nghiệt hơn, nhưng cũng hấp dẫn hơn. Điều này đòi hỏi các đơn vị du lịch phát huy tối đa tính sáng tạo, phát triển các ứng dụng công nghệ trong xây dựng sản phẩm”, bà Đặng Thúy Hà phân tích.
Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, đơn vị đang xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa theo hướng đưa thêm nhiều trò chơi vận động, giải đố kiến thức để du khách có thêm góc tiếp cận mới khi tham quan. “Hà Nội có thế mạnh du lịch văn hóa, di sản nhưng để hấp dẫn du khách, việc đưa thêm yếu tố giải trí là cần thiết. Để việc này đạt hiệu quả, không chỉ cần sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị điểm đến, lữ hành, mà còn cần sự đổi mới trong tư duy, khả năng sáng tạo cũng như đầu tư cho việc xây dựng sản phẩm”, ông Phùng Quang Thắng nói.
Du lịch Việt Nam có những thay đổi đáng kể sau dịch Covid-19, với sự nhận diện rõ hơn xu hướng, thói quen, sở thích của du khách trong nước và quốc tế. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, việc các đơn vị đổi mới, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm lúc này rất cần thiết, nhằm thu hút du khách trải nghiệm nhiều hơn. “Để sản phẩm có giá trị và đạt hiệu quả cao, các đơn vị cần có kế hoạch phát triển sản phẩm bài bản, hướng đến sự bền vững, lâu dài, chứ không nên chỉ là nhất thời”, ông Vũ Thế Bình lưu ý.
Theo Hà Nội mới