Chủ Nhật, 24/11/2024 20:15:48 GMT+7
Lượt xem: 354

Tin đăng lúc 01-04-2024

Tăng trưởng quý I/2024 đạt 5,66% - khẳng định nỗ lực phục hồi kinh tế

Kết quả tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt mức tăng 5,66% trong quý I/2024 - mức tăng cao nhất từ năm 2020 đến nay ghi nhận đóng góp ấn tượng của khu vực công nghiệp và xây dựng. Dù vậy các doanh nghiệp công nghiệp, xây dựng vẫn kỳ vọng có thêm các hỗ trợ cần thiết để có thể tiếp tục đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng GDP các quý còn lại trong năm.
Tăng trưởng quý I/2024 đạt 5,66% - khẳng định nỗ lực phục hồi kinh tế
Sản xuất công nghiệp trong 3 tháng đầu năm có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt là một trong những động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Ảnh: Hoàng Bin(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Chế biến - chế tạo tăng trưởng ấn tưởng

 

Báo cáo kinh tế - xã hội quý I/2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ghi nhận kết quả ấn tượng khi ước tính đạt mức tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là con số tăng trưởng ghi nhận mức cao hơn đáng kể tốc độ tăng cùng kỳ trong suốt các năm 2020-2023.

 

Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong mức tăng chung của GDP quý I/2024, trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98% và đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng tới 6,28%, đóng góp 41,68%.

 

Sản xuất công nghiệp trong 3 tháng đầu năm có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2024 ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%, đóng góp 1,73% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,97%, đóng góp 0,45%.

 

Bà Nguyễn Thị Hương nhận định, diễn biến trên cho thấy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%, đóng góp 1,73% và được đánh giá là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh hiện nay.

 

Thêm trợ lực, thêm nguồn vốn cho doanh nghiệp

 

Dù đóng góp tích cực vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế trong quý I/2024, các khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) cho thấy, các doanh nghiệp khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

 

Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hằng quý do Bộ KHĐT vừa thực hiện với sự tham gia của 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, trong quý I/2024, số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý IV/2023 thấp, chỉ có 22,1%.

 

Dự kiến phải bước sáng quý II/2024, tình hình được dự báo khả quan hơn khi có 45,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I/2024.

 

Từ thực tế trên, để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong các quý tiếp theo, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo kiến nghị tiếp tục tạo cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên vật liệu cũng như khách hàng mới; Có các biện pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả nhằm hỗ trợ tiêu thụ và sản xuất hàng hóa. Đồng thời có các chính sách nhằm ổn định giá cả và nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp.

 

Trong khi đó, các doanh nghiệp xây dựng kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Có tới 46,4% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; 44,3% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu...

 

Theo kết quả khảo sát, thiếu vốn là vấn đề của hầu hết các doanh nghiệp, trong khi năng lực tài chính của doanh nghiệp là một trong những yếu tố chính quyết định đến khả năng trúng thầu của đơn vị. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn giảm bớt điều kiện vay vốn, thủ tục vay vốn để có thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi.

 

Các doanh nghiệp cũng dự báo, hoạt động xây dựng đang quay trở lại quỹ đạo bình thường và từ quý II/2024 sẽ có thêm hợp đồng xây dựng mới nên nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng tăng cao. Vì vây, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục kiểm soát giá, ổn định nguồn cung nguyên vật liệu, tránh sự độc quyền về nguồn cung dẫn đến tăng giá để hoạt động xây dựng của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng.

 

Theo Laodong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang