Chưa khai thác hết tiềm năng
Thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) vừa trải qua kỳ Festival biển kéo dài gần 20 ngày nhưng sức hút với khách du lịch dường như chưa hề giảm. Dọc đường, hàng dài xe chở khách du lịch nước ngoài từ Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh tỏa về các điểm đến hấp dẫn của biển, đảo Nha Trang - Khánh Hòa. Trong khi đó, phần lớn khách du lịch trong nước hay khách lẻ, lại lựa chọn ta-xi truyền thống làm phương tiện du ngoạn thắng cảnh Nha Trang. Với lượng khách tăng vọt như trong tháng 5 này thì thời gian sắp tới, hứa hẹn một lượng khách rất đông sẽ tới Nha Trang. Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, chỉ riêng kỳ Festival biển Nha Trang 2019 vừa qua đã thu hút gần 150 nghìn lượt khách đăng ký lưu trú, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 38 nghìn lượt. Con số ấn tượng này chứng minh thương hiệu của du lịch biển đảo Vịnh Nha Trang, một trong những vịnh đẹp nhất thế giới mà Việt Nam sở hữu. Một trong các yếu tố thu hút khách đến Nha Trang dịp đầu hè, bởi nơi đây còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tạo nên nét riêng, đặc sắc. Ðây cũng là một trong những vấn đề đặt ra với ngành du lịch biển Việt Nam trước yêu cầu đa dạng hóa hoạt động du lịch, làm mới điểm đến.
Với vị trí thuận lợi, chỉ cách TP Hồ Chí Minh khoảng 120 km đường bộ hoặc hai giờ đi tàu cao tốc theo đường sông Sài Gòn, Cần Giờ qua cửa biển là tới, Vũng Tàu có nguồn khách rất lớn từ các tua nối tuyến TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, lượng khách du lịch nước ngoài đến Vũng Tàu khá ít so với khách trong nước. Anh Linh, một người kinh doanh dịch vụ du lịch tại đây giải thích: Vũng Tàu thường đông khách vào thứ bảy, chủ nhật. Nhưng vào cao điểm đầu mùa hè, dịch vụ lưu trú thường bị quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu khi khách tăng đột biến. Ở Bà Rịa - Vũng Tàu có một hệ thống lưu trú phục vụ du lịch khá đa dạng. Ngoài các resort cao cấp, khách sạn, nhà nghỉ thì loại hình condotel cũng đã xuất hiện, dần bổ sung vào bản đồ lưu trú du lịch thêm một hình thức phục vụ du khách. Do lượng khách du lịch không đồng đều theo các thời điểm, cho nên dù đa dạng về hình thức lưu trú, dịch vụ, song cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu, cung cách phục vụ còn thiếu chuyên nghiệp khiến lượng khách đến Vũng Tàu chưa đông như mong muốn.
Dọc ra phía bắc, huyện đảo Cô Tô của tỉnh Quảng Ninh cũng đang bước vào mùa cao điểm du lịch hè. Nơi đây vốn là điểm đến quen thuộc của khách du lịch trong nước và ngoài nước bởi vẻ đẹp hoang sơ cùng nhiều không gian riêng tư, bãi biển xanh thẳm. Cô Tô đã chuẩn bị sẵn sàng cho mùa biển gọi vào hè này, khi lượng khách lưu trú hằng ngày có thể lên tới hàng nghìn người. Chị Trang Ðào, chủ một khách sạn ở Cô Tô chia sẻ: “Ðây là thời điểm đông khách du lịch. Chúng tôi có nhiều phương án chuẩn bị nhằm phục vụ tốt nhất cho các nhu cầu khách hàng, bao gồm sơ đồ tua mới, các dịch vụ du lịch đa dạng...”.
Những địa danh nêu trên chỉ là một trong số các điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch biển Việt Nam, phản ánh phần nào tính đa dạng trong tiềm năng phát triển du lịch biển, đảo của chúng ta, một đất nước sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.200 km với gần 50 vũng, vịnh lớn nhỏ. Trong đó có nhiều vịnh được đánh giá cao trên thế giới như: Di sản thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Vịnh Xuân Ðài (Phú Yên)… Biển đảo Việt Nam còn có tài nguyên sinh vật, sinh thái đa dạng, phong phú, nhất là tại các vườn quốc gia như: Bái Tử Long, Cát Bà, Côn Ðảo, Phú Quốc... cùng với sáu khu dự trữ sinh quyển nằm ở các dải đập ngập mặn ven biển là: rừng ngập mặn Cần Giờ, quần đảo Cát Bà, vùng ven biển đồng bằng sông Hồng, vùng biển, đảo Kiên Giang, Cù lao Chàm, Vườn quốc gia Cà Mau. Ðây là những thế mạnh tạo nên sức thu hút khó cưỡng đối với đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Chưa kể, các vùng duyên hải nước ta còn có hơn 1.000 di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước xếp hạng, 195 lễ hội dân gian truyền thống, hơn 150 làng nghề. Chính vì thế, tại những địa phương ven biển nói trên, dịch vụ du lịch đã tạo việc làm cho hàng triệu cư dân địa phương. Ðiển hình như vùng biển Mũi Né (Bình Thuận), từ một làng chài nghèo, ít người, kém phát triển, nay nhờ du lịch biển đã trở thành điểm đến được khách du lịch quốc tế gọi là “thiên đường nghỉ dưỡng” của Việt Nam.
Du lịch là một trong năm ngành kinh tế biển quan trọng của Việt Nam. Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), trong những năm qua, nguồn thu từ ngành du lịch của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm hơn 60% tổng thu từ du lịch cả nước. Lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực ven biển có xu hướng tăng liên tục và hiện nay chiếm gần 80% tổng lưu lượng khách trên cả nước.
Cần một tầm nhìn để phát triển
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt coi phát triển sản phẩm du lịch là giải pháp quan trọng hàng đầu, trong đó hướng ưu tiên quan trọng là tập trung phát triển các sản phẩm du lịch biển, đảo. Với những thế mạnh nổi trội, các sản phẩm du lịch biển, đảo trong tương lai sẽ mang đến cơ hội cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế đến với chúng ta. Thời gian qua, nhiều điểm du lịch biển nổi tiếng tại các địa phương đã được chú trọng đầu tư phát triển. Ðể tăng sức hấp dẫn và cạnh tranh, nhiều dịch vụ giải trí, thể thao biển đã được đưa vào hoạt động như: Chèo thuyền du lịch, kéo dù bằng ca-nô, lướt ván, đua thuyền, thưởng ngoạn biển, đảo bằng dù lượn, khinh khí cầu, máy bay mô hình (tại biển Nha Trang, Ðà Nẵng); hay bằng máy bay trực thăng (ở Vịnh Hạ Long)… Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn khá nhỏ lẻ, còn thiếu sự kết nối, thể hiện tính chuyên nghiệp, bài bản với đường hướng phát triển rõ ràng chưa đủ để tạo ra một sự bùng nổ để có thể đem lại bứt phá cho du lịch biển, đảo hiện nay.
Một nhà kinh doanh dịch vụ lưu trú phục vụ khách du lịch ở Cô Tô cho biết: Trước đây, chúng tôi có đầu tư hình thức nhà gỗ ven biển để khách tận hưởng không gian tự nhiên, nhưng lại bị vướng mắc về thuê đất, an ninh, vệ sinh môi trường. Các vấn đề nảy sinh trong thực tế khiến dự án này phải đóng lại. Ðây cũng là câu chuyện chung khi rất nhiều ý tưởng trong du lịch đem đến trải nghiệm mới và đa dạng hơn cho du khách, gặp khó khi triển khai tại các vùng ven biển. Thực tế là ngay bản thân khách du lịch cũng chưa nhận được những trải nghiệm xứng đáng khi tham gia các tua du lịch biển, đảo. Nhiều khách du lịch đến Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, nơi đây có nhiều điểm đến đẹp, song lại thiếu thông tin quảng bá, cho nên khách rất khó để chọn lựa các tua trải nghiệm trọn vẹn.
Rõ ràng, chỉ khi khách du lịch có đầy đủ thông tin về các sự kiện và điểm đến, theo từng nhu cầu, họ sẽ lựa chọn đúng và sẵn sàng chi tiền để được thỏa mãn đam mê du lịch. Phát huy hiệu quả sức hấp dẫn của đa dạng sản phẩm du lịch nói chung, du lịch biển nói riêng dường như đang gặp phải sự lúng túng trong việc thực hiện của các doanh nghiệp và của chính những nhà quản lý du lịch. Ða dạng các loại hình du lịch, các hoạt động sự kiện giải trí là cách làm đúng, phù hợp với nhiều địa phương, nhất là các vùng du lịch biển. Bên cạnh đó, công tác thông tin, quảng bá dù đã được coi trọng nhưng vẫn có nhiều hạn chế, chưa tiếp cận gần hơn với du khách…
Ðể tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn và tiềm năng về cạnh tranh quốc tế, rất cần một cách làm thật sự chuyên nghiệp với đường hướng tổng thể, kế hoạch phát triển rõ ràng mang tầm nhìn lâu dài cho từng địa phương và cả nước nói chung để tạo ra những chuyển biến mới, nhằm khẳng định giá trị thương hiệu biển, đảo Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Theo nhandan.com.vn