Cơ hội vàng
Ninh Bình là tỉnh có địa hình rất đa dạng, gồm núi, đồng bằng, vùng ven biển, mang đầy đủ sắc thái địa hình của nước Việt Nam thu nhỏ. Đặc biệt, vùng đất cô đô Hoa Lư ngàn năm lịch sử, từng là kinh đô của nước Đại Cồ Việt, lại được thiên nhiên ưu ái, ban tặng hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, độc đáo, tiêu biểu là Quần thể danh thắng Tràng An, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - nơi được đánh giá là khu vực có vẻ đẹp tự nhiên độc đáo vào loại quý hiếm trên thế giới, với hệ thống hang động hết sức phong phú.
Cùng với đó là núi chùa Bái Đính, Vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, suối khoáng nóng Kênh Gà, Cúc Phương, vùng ven biển Kim Sơn... Ninh Bình hiện có 1.821 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, 2 bảo vật quốc gia.
Đánh giá về thế mạnh du lịch của địa phương, ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình - khẳng định, các tài nguyên thiên nhiên, văn hóa chính là những điều kiện tiên quyết để Ninh Bình hình thành và khai thác hiệu quả nhiều loại hình và sản phẩm du lịch như: du lịch lịch sử - văn hóa, tâm linh, sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch MICE, thể thao...
Thời gian qua, đại diện Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, sự nỗ lực đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch và toàn xã hội, thời gian qua, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển của tỉnh.
Giai đoạn 2010-2019 tốc độ tăng trưởng bình quân năm về khách du lịch đạt 11%, về doanh thu du lịch đạt 23,6%. Đã hình thành được các sản phẩm du lịch di sản, văn hóa, tâm linh và sinh thái hấp dẫn nổi tiếng trong nước và quốc tế của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ gặp khó khăn, phải ngừng hoạt động, lượng khách giảm sâu hơn 70%. Ước tính cả năm du lịch Ninh Bình đón trên 2,8 triệu lượt khách, doanh thu du lịch gần 1.600 tỷ đồng, đạt trên 37% về lượt khách và 44% về doanh thu so với năm 2019.
Ninh Bình tiếp tục được chọn đăng cai Năm du lịch Quốc gia 2021, theo các chuyên gia du lịch đây sẽ là cơ hội vàng để Ninh Bình quảng bá, xúc tiến tiềm năng, thế mạnh về du lịch; thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch; mở rộng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, xây dựng những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của thị trường khách du lịch. Qua đó từng bước phục hồi, tạo bứt phá cho hoạt động du lịch sau đại dịch Covid-19.
Đón đầu cơ hội vàng từ Năm du lịch Quốc gia, theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình bám sát chỉ đạo của Trung ương, thành lập Ban tổ chức địa phương và các tiểu ban; xây dựng kế hoạch tổ chức với điểm nhấn là Chương trình Lễ khai mạc và các hoạt động khác với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
UBND tỉnh Ninh Bình còn tăng cường chỉ đạo, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án du lịch, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ; bổ sung, làm mới sản phẩm du lịch; chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ khách du lịch và các đại biểu về dự các sự kiện Năm du lịch Quốc gia 2021 tại Ninh Bình.
Cần thêm sản phẩm có chiều sâu về văn hóa
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình - ông Bùi Văn Mạnh - cho rằng, để tạo “cú hích” cho ngành công nghiệp không khỏi từ Năm du lịch Quốc gia, trước mắt cũng như lâu dài Ninh Bình đang cần phải có những đột phá về sản phẩm, cũng như tổ chức xúc tiến quảng bá sản phẩm hay điểm đến du lịch. "Vấn đề được đặt ra ở đây là làm thế nào để khai thác bền vững và hiệu quả các giá trị di sản, văn hóa truyền thống của địa phương tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, ấn tượng, mang dấu ấn riêng có của vùng đất cố đô Hoa Lư, của di sản thế giới Tràng An phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của các thị trường khách, trước hết đó là thị trường khách nội địa" - ông Mạnh nói.
Thực tế, theo ông Bùi Văn Mạnh, sản phẩm du lịch của Ninh Bình nói riêng vẫn còn chưa đa dạng; nhiều sản phẩm vẫn còn trùng lặp, đơn điệu, thiếu tính liên kết, hoat động xúc tiến quảng bá ở nước ngoài còn hạn chế... Hiện, trong số các điểm đến nổi trội nhất của Ninh Bình là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, nhưng cũng mới chủ yếu sử dụng và khai thác những gì sẵn có, mà chưa có giải pháp khai thác đúng mức và sử dụng hiệu quả các giá trị tài nguyên vốn hết sức phong phú và đa dạng để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch có chất lượng, có chiều sâu về văn hóa.
Với mong muốn du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Ninh Bình nói riêng sẽ sớm phục hồi, phát triển mạnh mẽ trở lại trong thời gian tới, ông Bùi Văn Mạnh chia sẻ, ngành du lịch Ninh Bình tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tạo môi trường du lịch văn minh, lành mạnh, bền vững; xây dựng điểm đến du lịch Ninh Bình an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
Ngoài ra, địa phương đang tập trung đẩy mạnh liên kết công - tư trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch, tổ chức các sự kiện, lễ hội, chương trình xúc tiến du lịch ở trong và ngoài tỉnh; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Trong đó, sử dụng giải pháp số để nâng cao năng lực quản lý, xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch.
"Đặc biệt, chúng tôi xác định thị trường và phân khúc khách du lịch, có chiến lược quảng bá tiếp thị và thông tin về sản phẩm du lịch bằng nhiều phương tiện kể cả trong và ngoài nước, qua đó tạo thêm động lực phát triển đột phá cho du lịch địa phương, góp phần tạo dấu ấn mới cho du lịch Việt Nam trong năm 2021", ông Mạnh cho hay.
Theo Congthuong.vn