Thứ Sáu, 22/11/2024 14:03:44 GMT+7
Lượt xem: 696

Tin đăng lúc 15-07-2022

Tạo hành lang pháp lý cho công nghiệp công nghệ số

Các chuyên gia cho rằng cần sớm có khung pháp lý cho công nghiệp công nghệ số để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này.
Tạo hành lang pháp lý cho công nghiệp công nghệ số
Ảnh minh họa

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), năm 2021, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ số ước đạt 3.151.599 tỷ đồng (tương đương 136 tỷ USD, gấp 22 lần so với năm 2009 là 6,2 tỷ USD) với tổng số 64.000 doanh nghiệp công nghệ số. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 đạt bình quân 15,2%/năm, cao hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

 

Trong năm 2022, Bộ TT&TT đặt mục tiêu đưa tổng số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt 70.000, tổng doanh thu đạt 148,5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng doanh thu là 9,2%, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước là 3 tỷ USD. Ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, quy mô lớn nhất cả nước, dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 2 con số/năm.

 

Các doanh nghiệp cũng góp ý về vốn, đầu tư, ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số về các nội dung như: quy định hoạt động, đối tượng trong công nghiệp công nghệ số được hưởng ưu đãi; hình thành các quỹ (Quỹ phát triển công nghiệp công nghệ số, Quỹ đầu tư mạo hiểm cho công nghệ số, Quỹ đầu tư cho công nghệ số của doanh nghiệp), xây dựng cơ chế hoạt động gọi vốn cộng đồng cho doanh nghiệp công nghệ số...

 

Mặc dù có quy mô lớn, song ngành này đang gặp nhiều trở ngại. Điển hình như việc công nghiệp công nghệ số chưa được coi là một ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.

 

Các hoạt động công nghiệp công nghệ số được phân chia vào 3 ngành gồm: công nghiệp chế biến - chế tạo, bán buôn và bán lẻ, thông tin và truyền thông. Cách phân chia này thiếu đồng bộ, dẫn đến thống kê không đầy đủ, chưa phản ánh đúng bản chất, sự đa dạng và phát triển của ngành.

 

Một ví dụ cụ thể là hoạt động công nghiệp phần mềm gặp một số vướng mắc trong áp dụng pháp luật do khái niệm và phạm vi các hoạt động công nghiệp phần mềm chưa phù hợp, chưa theo kịp xu thế phát triển, dẫn đến việc áp dụng chính sách chưa đúng, chưa đủ cho khối doanh nghiệp này.

 

Ngành công nghiệp công nghệ số cũng đang đối mặt với nguy cơ và thách thức cần giải quyết. Đó là sự cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghệ số trong khu vực ASEAN và sự bảo hộ thị trường của một số quốc gia. Chính vì vậy, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng và ban hành chính sách, tạo hành lang pháp lý nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển.

 

Theo Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT), hiện nay đầu ra của ngành công nghiệp công nghệ số vẫn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Sản phẩm phần cứng, phần mềm, nội dung số chủ yếu cho xuất khẩu. Nhưng các doanh nghiệp công nghệ số chưa thực sự chú trọng chiến lược phát triển chất lượng, thương hiệu sản phẩm.

 

Đặc biệt, các vấn đề rủi ro toàn cầu (như dịch bệnh, chiến tranh thương mại) dẫn đến suy thoái kinh tế, phá vỡ chuỗi sản xuất có doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tham gia, thu hẹp các thị trường xuất khẩu truyền thống, ảnh hưởng đến nguồn cung tư liệu sản xuất của doanh nghiệp công nghệ số.

 

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp công nghệ số còn đối mặt với hàng loạt rủi ro khác như: nguy cơ bị thâu tóm khi phụ thuộc về đầu tư nước ngoài; phụ thuộc về tài nguyên dữ liệu, công nghệ khai thác dữ liệu; nguy cơ bị mất lợi thế về nhân công giá rẻ và chảy máu chất xám…

 

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tài sản số được sinh ra cùng với sự phát triển của công nghệ số, như các tài khoản trực tuyến, tài khoản email, tài khoản mạng xã hội… Dù cũng là tài sản theo pháp luật dân sự, nhưng tài sản số có một số điểm khác biệt so với tài sản truyền thống. Song hiện nay, pháp luật chưa có quy định về nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho các giao dịch, chuyển quyền, nghĩa vụ của các loại tài sản này.

 

“Để thúc đẩy các ngành công nghệ số, tạo lập khung khổ cho ngành, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung chính sách quy định về nguyên tắc cơ bản áp dụng với tài sản số (quyền, nghĩa vụ của các bên, trong đó có công ty công nghệ; nguyên tắc bảo vệ; nguyên tắc giám định số; nguyên tắc ủy thác…)”, VCCI kiến nghị.

 

Theo Vietq.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang