Chủ Nhật, 24/11/2024 05:17:32 GMT+7
Lượt xem: 531

Tin đăng lúc 13-11-2022

Tạo lực đẩy cho xuất khẩu

Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, hoạt động giao thương trở lại sôi động, việc xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh, thích ứng linh hoạt. Các hoạt động xúc tiến thương mại đã phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường, mở rộng cơ hội tìm kiếm khách hàng, thúc đẩy cho xuất, nhập khẩu.
Tạo lực đẩy cho xuất khẩu
Khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 5 (CIIE 2022) diễn ra từ ngày 5-11 đến 10-11

Đẩy mnh xúc tiến thương mi trc tiếp

 

Diễn ra từ ngày 2 đến 9-11 tại Lạng Sơn, hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung có quy mô 260 gian hàng với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp tổ chức. Tại hội chợ, các hoạt động giao thương, kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra sôi động, góp phần phục hồi thương mại, đầu tư sau dịch Covid-19.

 

Trước đó, ngày 17-10, tại thủ đô Paris (Pháp), Bộ Công Thương đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phòng Thương mại - Công nghiệp Paris tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại Việt Nam - Pháp. Hội thảo có sự tham dự của gần 100 tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam và Pháp. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Paris Marie Christine Oghly cho biết, các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm tới thị trường Việt Nam. Phòng Thương mại - Công nghiệp Paris luôn sẵn sàng phối hợp và hỗ trợ Bộ Công Thương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tại thị trường Pháp. Tương tự, các hội nghị xúc tiến thương mại cũng được Bộ Công Thương tổ chức trực tiếp tại thị trường Italia, Hà Lan, Bỉ, Israel…

 

Cùng với đó từ tháng 7-2022 đến nay, hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã được Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hằng tháng nhằm gỡ nhiều “nút thắt” cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Tại các hội nghị này, đại diện thương vụ Việt Nam tại các nước và khu vực đã cập nhật tình hình chính sách, thị trường, đưa ra các khuyến cáo giúp các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong nước tận dụng cơ hội, giảm thiểu các yếu tố bất lợi cả trước mắt và lâu dài.

 

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, sau hai năm gián đoạn bởi dịch Covid-19, hoạt động xúc tiến thương mại đã dần sôi động trở lại. Cùng với duy trì các chương trình tư vấn, hội nghị giao thương trực tuyến, các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp tại các thị trường thế mạnh được Bộ Công Thương tập trung triển khai, góp phần thúc đẩy xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng ấn tượng.

 

M rng th trường mi, sn phm thế mnh

 

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 10 tháng năm 2022 đạt hơn 616 tỷ USD, tăng 14,1%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, cán cân thương mại xuất siêu 9,4 tỷ USD (riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỷ USD). Kết quả này có một phần đóng góp thiết thực từ hoạt động xúc tiến thương mại được chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai bài bản sau hơn hai năm đại dịch. Trọng tâm là phát huy lợi thế của hoạt động giao thương trực tiếp đồng thời tận dụng tối đa ưu thế của hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến. Qua đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ cập nhật thông tin thị trường, nhu cầu khách hàng, các quy định xuất, nhập khẩu để chuẩn bị tốt hơn cho việc tìm kiếm khách hàng, xây dựng và duy trì quan hệ với khách hàng, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, thời gian tới kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều biến động phức tạp, khó lường, sức mua trên thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ chậm lại. Trước thực tế đó, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú nhận định, hoạt động xúc tiến thương mại cần tiếp tục tăng cường, nhất là với các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông, vùng viễn đông của Nga, Trung Á, Mỹ La tinh…, với những mặt hàng mới, phù hợp với năng lực sản xuất của Việt Nam. Ngoài ra cần thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh kế hoạch xuất, nhập khẩu nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và tránh được các rủi ro, đặc biệt là các ảnh hưởng tác động từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước.

 

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia khuyến nghị, các địa phương, hiệp hội ngành hàng phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam tại Australia. Đặc biệt, cần bố trí kinh phí để đưa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của địa phương, thành viên hiệp hội tham gia hội chợ, triển lãm tại Australia; đồng thời tổ chức cho các nhà nhập khẩu, phân phối Australia tham gia các chương trình khảo sát cơ sở sản xuất hoặc tham gia các hội chợ xúc tiến xuất khẩu, hội chợ quốc tế tại Việt Nam.

 

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đề xuất, bên cạnh việc giao ban định kỳ, thời gian tới, Bộ Công Thương cần tổ chức những cuộc giao ban đột xuất, theo từng thị trường trọng điểm, hay những thị trường xuất hiện những bất thường, nhằm giúp doanh nghiệp có thêm căn cứ xây dựng các phương án kinh doanh và phản ứng tốt hơn với thị trường.

 

Theo Hà Nội mới


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang