Ông Nguyễn Hải Thắng, Giám đốc một DN đồ nhựa gia dụng có văn phòng tại TP.HCM cho biết, ngoài việc sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, DN chú trọng tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu sang nước ngoài và năm 2018 DN đã xuất được những chuyến hàng đầu tiên sang các nước bạn Lào, Campuchia. Đến nay lượng hàng hóa xuất khẩu qua 2 nước này đã dần ổn định, nên DN đang chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng sang một thị trường mới, chưa được các DN Việt Nam khai thác nhiều, cũng nằm trong khối các nước ASEAN, đó là Myanmar.
“DN lựa chọn điểm đến là các nước trong khối ASEAN để xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường không chỉ bởi vị trí địa lý, văn hóa gần gũi, hàng rào kỹ thuật không quá khắt khe. Tuy nhiên quan trọng hơn, thời gian gần đây Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN đã ký kết và đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo điều kiện thuận lợi cho các DN về giao thương, thuế suất... ” - ông Thắng cho hay.
Theo Bộ Công thương, tính đến năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (Atiga) là 98%. Ngoài ra trong số các FTA mà Việt Nam đang thực hiện, FTA với nội khối ASEAN (AFTA) có tỷ lệ xóa bỏ thuế quan cao nhất với lộ trình thực hiện là 19 năm và một số ít mặt hàng có lộ trình là 25 năm. Chính vì những thuận lợi về thuế quan này mà thời gian gần đây, không ít DN Việt chuyển hướng xuất khẩu vào thị trường ASEAN. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của DN Việt sang các thị trường ASEAN đạt 17,14 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên trên thực tế, mức độ “phủ sóng” của DN Việt tại thị trường các nước nội khối này hiện vẫn còn rất khiêm tốn, bởi đối với không ít DN Việt, ASEAN vẫn còn là một thị trường mới mẻ, “quen mà lạ” do chưa có nhiều thời gian làm quen, thâm nhập. Thậm chí, một vài DN còn cho đây là thị trường “thấp cấp”, khó thu được nhiều lợi nhuận nên bỏ qua.
Song theo ông Nguyễn Vũ Kiên, Phó Trưởng Ban Quan hệ Quốc tế (VCCI), ASEAN là thị trường rộng lớn và thông thoáng cho mọi quan hệ thương mại, trao đổi dịch vụ hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các quốc gia thành viên và là mảnh đất nhiều tiềm năng để các DN khai thác. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN mở rộng hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh thương mại với các quốc gia ASEAN, vừa qua Liên minh Châu Âu đã giới thiệu Cổng thông tin của ASEAN (Hệ thống ASSIST) thông qua Chương trình ARISE Plus. Đây là công cụ trực tuyến nhằm cung cấp các thông tin về luật pháp, các quy định, tiêu chuẩn và giải pháp thuận lợi hóa để tư vấn cho doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển hàng hóa hay tiến hành các dịch vụ, thủ tục hải quan hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường ASEAN.
Ông Paul Mandl, Trưởng dự án ASSIST cho biết, để đảm bảo tính minh bạch, công bằng về quyền lợi và giảm tình trạng khiếu kiện, tranh chấp giữa các DN với đại diện quản lý chức năng tại các nước... rất cần cơ chế tư vấn, hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các DN tự giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình tiến hành các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa hoặc thông quan dịch vụ qua biên giới.
Đây cũng là cơ chế tư vấn hữu ích, không ràng buộc và hoàn toàn miễn phí, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong khối ASEAN khi gặp khó khăn vướng mắc có thể tương tác trực tiếp với các các cơ quan chức năng của các nước thành viên để được tư vấn các giải pháp cụ thể nhằm thuận lợi hóa quá trình trao đổi hàng hóa trong nội khối, đảm bảo việc tuân thủ thực thi các thỏa thuận về kinh tế của ASEAN.
Hệ thống ASSIST chỉ giải quyết những vấn đề liên quan tới các biện pháp về thuế quan và phi thuế quan ảnh hưởng tới hàng hóa, các vấn đề trong lĩnh vực dịch vụ xuyên biên giới và hạn chế đầu tư trong một số lĩnh vực khác nhau của hội nhập ASEAN. Song, ASSIST không tham gia giải quyết tranh chấp giữa người lao động và chủ DN hoặc các khiếu nại về phân biệt đối xử, các vấn đề đang hoặc đã bị kiện tụng hoặc được phân xử tại các khu vực tài phán, nói chung là các vấn đề không liên quan tới thương mại, dịch vụ hoặc đầu tư trong ASEAN... |
Theo Thời Báo Ngân Hàng