Thứ Tư, 13/11/2024 20:14:30 GMT+7
Lượt xem: 183

Tin đăng lúc 21-09-2024

Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi thực hiện chuyển giao công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động chuyển giao công nghệ.
Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi thực hiện chuyển giao công nghệ
Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động chuyển giao công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, sau 6 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 76/2018/NĐ-CP cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

 

Thứ nhất, về đăng ký chuyển giao công nghệ (CGCN) và quản lý hoạt động CGCN

 

Quy định về đối tượng công nghệ chuyển giao, quyền CGCN, hình thức CGCN, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký CGCN trong Luật CGCN và trong Nghị định số 76/2018/NĐ-CP vẫn còn những tồn tại, bất cập như:

 

Chưa có quy định việc đăng ký CGCN đối với trường hợp thỏa thuận CGCN đã được các bên ký kết trước ngày Luật CGCN có hiệu lực nhưng sau ngày Luật có hiệu lực, các bên có thỏa thuận sửa đổi, bổ sung CGCN mà thỏa thuận này thuộc trường hợp phải đăng ký CGCN theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật CGCN. Điều này, dẫn đến tổ chức, cá nhân không đăng ký CGCN khi sửa đổi, bổ sung hợp đồng CGCN.

 

Chưa quy định rõ thủ tục đăng ký CGCN độc lập với thủ tục đăng ký chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, dẫn đến có địa phương yêu cầu phải đăng ký chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ mới được đăng ký CGCN, không phù hợp với quy định của Luật CGCN và Luật Sở hữu trí tuệ.

 

Thứ hai, về Danh mục công nghệ

 

3 Danh mục công nghệ khuyến khích, hạn chế và cấm chuyển giao quy định tại Nghị định số 76/2018/NĐ-CP được xây dựng và triển khai áp dụng từ ngày 01/7/2018, đến nay, sau 6 năm triển khai áp dụng, với bối cảnh Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, tốc độ phát triển và đổi mới công nghệ diễn ra và thay đổi mạnh mẽ trên thế giới làm xuất hiện những loại công nghệ hoàn toàn mới cần xem xét bổ sung vào Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao. 

 

Đồng thời, một số công nghệ trở lên lạc hậu, cần xem xét đưa ra khỏi Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao hoặc cần xem xét bổ sung vào Danh mục công nghệ hạn chế, cấm chuyển giao.

 

Thứ ba, một số quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ CGCN, ứng dụng, đổi mới công nghệ 

 

Một số quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ CGCN, ứng dụng, đổi mới công nghệ đã có kết quả nhất định. Tuy nhiên, qua tổng kết, rà soát, cho thấy thực tiễn triển khai còn hạn chế, cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu, quy định của Luật CGCN và có tính khả thi hơn trong thực tiễn triển khai. Cụ thể các chính sách sau:

 

Hỗ trợ doanh nghiệp có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận CGCN từ tổ chức KH&CN (Điều 8 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP). 

 

Khuyến khích hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ quan, tổ chức, cá nhân để triển khai các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KH&CN, hoạt động nghiên cứu chung (Điều 12 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP).

 

Hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật cho hoạt động giải mã công nghệ, tổ chức, cá nhân thực hiện việc giải mã công nghệ (Điều 13 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP).

 

Bộ KH&CN cũng cho biết, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP là cần thiết nhằm thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nâng cao hiệu quả hoạt động CGCN.

 

Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc đẩy mạnh hoạt động CGCN; giải quyết các tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 76/2018/NĐ-CP.

 

Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động CGCN và thực hiện quy định thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN.

 

Sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký chuyển giao công nghệ

 

Dự thảo bổ sung các khoản 1a, 1b, 1c, 1d, 1đ, 1e, 1g, 1h, 1i vào sau khoản 1, sửa đổi điểm c khoản 3 và bổ sung khoản 3a, 3b vào sau khoản 3 Điều 5 về đăng ký CGCN.

 

Theo đó, bổ sung các chính sách theo hướng: phải đăng ký sửa đổi, bổ sung CGCN đối với thỏa thuận CGCN được các bên ký kết trước ngày Luật CGCN có hiệu lực mà sau ngày Luật có hiệu lực, các bên sửa đổi, bổ sung thỏa thuận CGCN mà thỏa thuận này thuộc trường hợp phải đăng ký CGCN theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật CGCN; bổ sung quy định thủ tục đăng ký CGCN theo quy định của Luật CGCN được thực hiện độc lập với thủ tục đăng ký chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. 

 

Bổ sung quy định hướng dẫn rõ thỏa thuận CGCN như thế nào thì phải thực hiện đăng ký CGCN; bổ sung quy định trường hợp phải chứng minh quyền sở hữu công nghệ khi đăng ký CGCN; bổ sung quy định hướng dẫn thế nào hình thức CGCN thông qua thực hiện dự án đầu tư; bổ sung quy định thời hạn CGCN không được quá thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng công nghệ chuyển giao đã được cấp bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được quá thời hạn hoạt động của dự án đầu tư sử dụng công nghệ chuyển giao.

 

Quy định việc đăng ký sửa đổi, bổ sung CGCN khi thay đổi thông tin Giấy chứng nhận đăng ký CGCN đã được cấp; bổ sung quy định thời hạn tổ chức, cá nhân nộp lại hồ sơ đăng ký CGCN được sửa đổi, bổ sung hoàn theo theo đề nghị của cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký CGCN.

 

Theo báo Chính phủ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang