Trước nhu cầu ngày càng lớn của nền kinh tế, ngành than đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự đi lên của nước nhà. Trong khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, TKV cũng nằm trong hoàn cảnh đó, nhưng càng khó khăn lại càng tôi rèn ý chí người thợ mỏ. Những thành công trong SX-KD của CBCNV tập đoàn vượt lên thách thức, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Vượt qua khó khăn, thách thức
Để có những thành công hôm nay, những người thợ mỏ TKV đã trải qua một chặng đường đầy gian nan, vất vả, cùng chung sức chung lòng, luôn mài sắc ý chí vượt lên chính mình, chịu đựng gian khổ, hy sinh, dũng cảm vượt qua những thách thức, cam go, hoàn thành các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã giao cho ngành than.
Sau chặng đường xây dựng và trưởng thành, đến nay, quy mô của tập đoàn đã trải dài 42 tỉnh thành trên cả nước, đã đầu tư sang Lào và Campuchia. Các lĩnh vực SX-KD của tập đoàn không chỉ bó gọn trong lĩnh vực than - khoáng sản, mà còn có nhà máy nhiệt điện dùng than và đã tạo ra được những chuỗi giá trị để nâng cao giá trị của than và khoáng sản.
Vào đầu những năm 1990, ngành than suy thoái nặng nề, do than cung cấp cho điện giảm mạnh từ 2.500.000 tấn/năm xuống còn 500.000 tấn/năm. Bên cạnh đó là nạn khai thác than trái phép hoành hành tại vùng than.
Ngày 27 và 28/7/1994, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 381 TTG và chỉ thị số 382 TTG về việc lập lại trật tự trong khai thác, kinh doanh than. Tiếp sau đó, ngày 10/10/1994, Chính phủ ban hành Quyết định số 563 TTG về việc thành lập Tổng công ty Than Việt Nam, hợp nhất các đơn vị tổ chức than về một mối.
Đó là một bước ngoặt mới đối với CBCN ngành than, nhưng cũng là lúc ngành than phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức: giá bán than thấp, ít khách hàng dẫn đến lương chi trả cho CBCNVC rất thấp.
Tình hình quản lý, khai thác than phân tán gây khó khăn cho việc xuất khẩu (XK) than; cơ sở vật chất Tổng công ty vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu… Nhưng sau đó, bằng phương pháp quản lý và những chiến lược cụ thể, tập đoàn đã từng bước hạn chế dần những khó khăn.
Năm 1997, sản xuất của Tổng công ty đã đạt trên 11 triệu tấn than. Để tháo gỡ khó khăn trong XK than, Tổng công ty đã triển khai những biện pháp để kiểm soát thị trường trong nước: vận động các hộ dùng than chỉ mua than của Tổng công ty theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện mở rộng XK than ra nước ngoài.
Những năm tiếp theo, nhu cầu sử dụng than tăng cao đi đôi với việc phải tăng năng suất lao động. Muốn làm được việc đó, Tổng công ty đẩy mạnh việc thăm dò, xác định trữ lượng than ở các bể than, xây dựng dữ liệu địa chất của từng vùng khoáng sản và cả vùng mỏ làm cơ sở phát triển của ngành. Tiếp đó là cơ giới hóa, hiện đại hóa trong khai thác than hầm lò và lộ thiên bằng các biện pháp đổi mới công nghệ khai thác mỏ lộ thiên, bằng kỹ thuật khai thác lấp đứng xuống sâu mỏ, đầu tư các loại xe tải có công suất 90 - 100 tấn… Nhờ đó, sản lượng than hầm lò đã tăng lên đáng kể, chiếm tỷ lệ 50 - 60% trong khai thác than hiện nay.
Nhờ kinh doanh đa ngành trên nền ngành công nghiệp than thành công cùng các biện pháp đổi mới quản trị kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển Tổng công ty than thành Tập đoàn Than Việt Nam vào 8/2005. Tiếp sau đó, 26/12/2005, đã quyết định đưa Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam vào Tập đoàn Than, bằng việc quyết định thành lập Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.
Hướng đi trong tương lai
Phần thưởng lớn nhất của Tập đoàn là cung ứng đủ than cho nền công nghiệp nước nhà, một phần phục vụ cho XK và giải quyết hàng nghìn việc làm cho người lao động. Hiện nay, sản lượng cơ giới hóa năm 2016 ước đạt 1,8 triệu tấn/21,07 triệu tấn bằng 8,2% so với sản lượng than khai thác hầm lò. Mét lò chống neo dự kiến đạt 5.000m trên tổng số 260.000m lò bằng 2% so với tổng số mét lò. Dự án đầu tư khai thác phần dưới mức -50m, công ty Than Hà Lầm cơ giới hóa đạt 368.000 tấn/600.000 tấn, đạt 61% kế hoạch.
Từ những thành công trên các lĩnh vực, TKV tự hào với những gì đã và đang làm được. Đứng trước yêu cầu nâng cao hiệu qủa SX-KD và những thách thức của thị trường, hơn bao giờ hết, việc tái cơ cấu, sắp xếp lại DN là những bước đi tiếp theo của tập đoàn.
Ngay từ đầu năm 2016, tập đoàn đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp điều hành khoa học để tiếp tục ổn định sản xuất, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý, hiệu quả; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đầu tư phát triển; áp dụng cơ giới hóa để khai thác than; tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và đổi mới quản trị DN, lao động tiền lương, chăm lo phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện cơ chế khoán chi phí, quản trị tài chính DN.
Tập đoàn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; tiết giảm các chi phí đầu vào cho sản xuất (năm 2016 thực hiện việc tiết giảm 6% chi phí giao khoán, tăng thêm 1% so với các năm trước đây để có lợi nhuận, vượt qua khó khăn).
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn của ngành than, tập đoàn vẫn giữ vững sự đoàn kết trong toàn hệ thống chính trị và CNCBVC, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Định hướng đến 2020, sản lượng than hầm lò khai thác cơ giới hóa của tập đoàn đạt 25% tổng sản lượng than hầm lò và mét lò chống neo đạt trên 10% tổng số mét lò.
Nguồn Thời báo Kinh doanh