Thứ Sáu, 22/11/2024 23:48:12 GMT+7
Lượt xem: 4662

Tin đăng lúc 03-03-2017

Tập đoàn Điện lực Việt Nam Hoàn thành đề án tái cơ cấu

Ngày 23-11-2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1782/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2012-2015. Đến nay, sau ba năm triển khai thực hiện, quá trình tái cơ cấu EVN đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam Hoàn thành đề án tái cơ cấu
Điện lực Thanh Hóa nghiệm thu trạm 110kV phục vụ Khu công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa).

Tính đến hết năm 2015, EVN đã hoàn thành toàn bộ các nội dung của Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012 - 2015. Cụ thể: hoàn thành Nghị định về Điều lệ EVN và Nghị định về Quy chế quản lý tài chính của EVN; phê duyệt và triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu và kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển của năm Tổng công ty Điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; bảo đảm các điều kiện để ba Tổng công ty Phát điện đi vào hoạt động ổn định và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa. EVN đã triển khai nhiều đề án về sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý điều hành của EVN và các đơn vị; trình Thủ tướng Chính phủ đề án tổ chức, sắp xếp lại các trường đào tạo; đẩy mạnh triển khai thực hiện tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, phương thức quản trị doanh nghiệp bước đầu được đổi mới và có chuyển biến rõ rệt. Hệ thống quy chế quản lý nội bộ đang được hoàn thiện phù hợp quy định của pháp luật và Nghị định 205 về Điều lệ EVN và Nghị định 82 về Quy chế quản lý tài chính EVN, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ và quản lý người đại diện phần vốn của EVN tại các doanh nghiệp khác được tăng cường. Hoàn thành công tác thoái vốn; hiệu quả hoạt động chung của toàn EVN được nâng cao.

 

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn khá ảm đạm, EVN đã tích cực xây dựng phương án thoái vốn, tổ chức bán đấu giá công khai, tìm kiếm các đối tác để đàm phán chuyển nhượng vốn góp tại các công ty cổ phần (CTCP) thuộc diện thoái vốn theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Đến hết năm 2015, EVN đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại sáu trong số bảy CTCP ngoài ngành và hoàn thành giảm vốn của EVN tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực từ 40% xuống còn 15% vốn điều lệ theo quy định. Ngoài ra, EVN đã hoàn thành thoái vốn toàn bộ tại hai CTCP cơ khí, bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đã đầu tư, tuân thủ đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

 

Qua Đề án tái cơ cấu, EVN có cơ cấu tổ chức hợp lý, thu gọn đầu mối quản lý, tập trung vào các khâu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện. Đến nay, số lượng các đơn vị thành viên EVN giảm từ 88 xuống còn 38 đơn vị. Trong giai đoạn 2012-2015, Đề án đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng:

 

EVN đóng vai trò là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, cung cấp dịch vụ công ích cho xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng thông qua việc tham gia thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện an sinh xã hội của Chính phủ; góp phần cùng Trung ương và chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các vấn đề kinh tế - xã hội, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh tại các địa bàn trọng điểm; giữ vai trò chủ chốt trong chương trình đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo góp phần thực hiện xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển nông nghiệp - nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ số xã có điện trong cả nước đạt 99,85%; số hộ dân nông thôn có điện sử dụng đạt 98,88% (vượt mục tiêu của Chính phủ là tới cuối năm 2015 đạt 98% số hộ dân nông thôn có điện). EVN tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho phát triển kinh tế và nhu cầu xã hội; giữ vai trò nòng cốt trong đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống lưới điện, bảo đảm an ninh năng lượng.

 

Hiện nay, Chính phủ giao cho EVN giữ vai trò chính, chịu trách nhiệm sản xuất điện, mua điện từ các nguồn điện, nhập khẩu điện và quản lý vận hành toàn bộ lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối, đảm nhận gần toàn bộ khâu bán lẻ điện năng với bộ máy quản lý kinh doanh từ trung ương tới cấp xã để cung ứng điện cho các ngành kinh tế quốc dân: nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ thương mại và các nhu cầu xã hội.

 

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, EVN đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không thực hiện tiết giảm điện, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu dân sinh; công tác điều hành sản xuất bám sát tình hình thực tế, hệ thống điện được vận hành ổn định, an toàn. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của EVN được bảo đảm, kết quả sản xuất, kinh doanh của Công ty mẹ - EVN và toàn Tập đoàn đều có lãi. Đó chính là những tiền đề để EVN bước vào thực hiện Đề án Tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2021, tầm nhìn đến năm 2030 với mục đích chính là cổ phần hóa các công ty phát điện, cổ phần hóa các đơn vị bán lẻ, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và phát triển xã hội.

 

Nguồn Nhandan.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang