Chính sách ban hành kịp thời và phù hợp
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thực tiễn, sau 2 tháng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và quyết định mở cửa lại nền kinh tế, kinh tế đã khởi sắc rõ nét.
“Chỉ số phát triển công nghiệp liên tục 3 tháng cuối năm ở ngưỡng trên dưới 5% và kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 tăng trưởng ngoạn mục, dự kiến đạt 670 tỷ USD và chúng ta xuất siêu được 4 tỷ USD tính đến thời điểm 31/12/2021. Có thể nhìn nhận, những chính sách chúng ta đã ban hành rất kịp thời và phù hợp”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu cụ thể.Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, nếu tháng 9/2021, tại thời điểm nền kinh tế tăng trưởng âm rất sâu, nhập siêu tới 2,75 tỷ USD, nhưng nhờ có chính sách kích cầu, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, cùng với việc mở lại nền kinh tế thì phát triển kinh tế của Việt Nam tăng trưởng rất rõ.
Người đứng đầu ngành Công Thương cho biết, trong bối cảnh này, cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp để kích thích sản xuất, phục hồi và phát triển kinh tế.
Việc Quốc hội họp phiên đột xuất để bàn chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá là rất đúng, rất trúng và kịp thời, tạo sức bật và làm nền tảng cho phát triển kinh tế. “Chương trình phục hồi phải có quy mô đủ lớn. Tôi tán thành với thời gian thực hiện trong 2 năm, sau đó bắt đầu đến giai đoạn ổn định và phát triển kinh tế, đi theo hướng này rất đúng đắn”- ông Đào Ngọc Dung bày tỏ quan điểm.
Từ thực tiễn là người chỉ đạo tổ chức thực thi nhiệm vụ ở địa phương nhiều năm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nếu chúng ta xác định đây là các chính sách hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với thời hiệu chỉ có trong 2 năm, cùng với những dự án, công việc đề cập cụ thể, nên thông qua và chúng ta sẽ tăng cường khâu giám sát. “Tôi đề nghị cần thêm một điều kiện ghi rõ những dự án, công trình hay phạm vi lĩnh vực được áp dụng cơ chế đặc biệt mà Chính phủ đề xuất” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu ý kiến.
Về vấn đề an sinh xã hội của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, trên cơ sở Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19, quyết định cho Chính phủ được triển khai 2 chính sách hỗ trợ người lao động vào người sử dụng lao động.
Đó là Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 (Nghị quyết 68) về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 và Nghị quyết 116/NQ-CP (Nghị quyết 116) được ban hành ngày 24/9/2021 với mục đích góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động. Cho đến nay cả hai quỹ này đã hỗ trợ nào 71.000 tỷ đồng và số lượng người lao động và sử dụng lao động là 42 triệu lượt người.
Riêng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng từ Nghị quyết 68 thì tới thời điểm này đã là 31.000 tỷ đồng, vượt mức quy định. Đối với gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng từ Nghị quyết 116 về bảo hiểm thất nghiệp đến nay đã thực hiện trên 37.900 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 1.700 tỷ đồng. “Trong tuần tới sẽ giải ngân hết. Đây là được coi là thành công” - ông Đào Ngọc Dung nêu.
Minh bạch trong hỗ trợ
Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận) cho rằng, cần làm rõ nét hơn định hướng thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế. Theo bà Yến, thế giới dự kiến năm 2022 sẽ có khoảng 12 tỷ USD dành cho phục hồi kinh tế. Việc suy thoái kinh tế, ngoài nguyên nhân ảnh hưởng của dịch bệnh, còn do khai thác tài nguyên quá mức. Vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh thì cần hỗ trợ trong các lĩnh vực số hóa, xanh hóa để việc phục hồi bền vững hơn.
“Đơn cử, trong kết cấu hạ tầng, chủ đầu tư cần lựa chọn nhà thầu sử dụng công nghệ không gây ô nhiễm mỗi trường, phát sinh nhiều chất thải. Trong hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cần ưu tiên cho doanh nghiệp sử dụng lao động hướng tới sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững. Như thế, việc đầu tư kinh doanh trong nền kinh tế sẽ được bền vững hơn gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để việc phục hồi đạt hiệu quả” - bà Phạm Thị Hồng Yến cho hay.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) đề nghị, cần đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời. Theo đó, Chính phủ cần phân tích rõ hơn những bất lợi có thể có khi thực hiện gói chính sách này, ví dụ như thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa có khả năng gây ra lạm phát thế nào, tác động của chính sách tài khóa với nợ công ra sao... để có giải pháp nhằm hạn chế, đề phòng những bất lợi này như thế nào?
Theo đại biểu Trần Đức Thuận (đoàn Nghệ An), dịch bệnh còn bùng phát, tác động đến đời sống xã hội, tới mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Nếu không ban hành Nghị quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến dài hạn. Tuy nhiên, ông Thuận lưu ý cần quan tâm tới những giải pháp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.
Đặc biệt, nên quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động bị ảnh hưởng nặng như dệt may, dịch vụ, ăn uống, nhà hàng. Mặt khác, trong hỗ trợ phải đảm bảo tính công bằng, tránh việc thiệt hại ít nhưng được hỗ trợ nhiều, bị ảnh hưởng nhưng không được hỗ trợ...
Theo Congthuong