Thứ Năm, 21/11/2024 21:04:06 GMT+7
Lượt xem: 1200

Tin đăng lúc 31-05-2022

Tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Sau khi ghi dấu ấn rõ nét trong quý I-2022, Việt Nam đang đứng trước cả thuận lợi và khó khăn trong việc tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2022. Đây là yêu cầu rất lớn, có tầm quan trọng hàng đầu. Các chuyên gia kinh tế dự báo Tổng sản phẩm nội địa (GDP) có thể tăng 6-7% trong hai năm liên tiếp 2022-2023 và các động lực tăng trưởng là sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút các nguồn lực đầu tư…
Tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm nội địa (GDP) dự kiến tăng trưởng ở mức 6-7% trong giai đoạn năm 2022-2023 nhờ sự phục hồi của tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần Chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau (tỉnh Cà Mau)

Tăng trưởng GDP có th đạt 6-7%

 

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), GDP trong quý I-2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu sự phục hồi của nền kinh tế sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, GDP dự kiến tăng trưởng ở mức 6-7% trong giai đoạn 2022-2023 nhờ sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, các hoạt động đầu tư của cả khối tư nhân và đầu tư công; nhất là việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng của Chính phủ.

 

Các tổ chức quốc tế cũng có những đánh giá lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,3% trong năm 2022 và sau đó ổn định quanh mức 6,5% theo kịch bản các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng cả trong và ngoài nước. Còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 là 6% và trong năm 2023 là 7,2% khi nền kinh tế bình thường hóa. Theo báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam và triển vọng 2022” do Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 25-5, dự báo nền kinh tế trong năm 2022 phục hồi tốt hơn, tăng trưởng có thể đạt 5,5-6% (kịch bản cơ sở); và tăng trưởng sẽ còn cao hơn trong năm 2023. 

 

Mới nhất, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings vừa nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “ổn định”. Một trong những cơ sở để S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam là nền kinh tế đang trên đà phục hồi vững chắc. Theo dự báo của S&P, năm 2022, GDP của Việt Nam tăng khoảng 6,9% và xu hướng dài hạn là 6,5-7% từ năm 2023.

 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, mặc dù môi trường kinh doanh ngày càng xuất hiện những thách thức mới, khó lường, tình hình quốc tế phức tạp, có thể gây bất lợi đối với nền kinh tế nước ta, song GDP năm 2022 có thể đạt mức tăng khoảng 6% và trong năm 2023 là 7,2%.

 

 

Sản xuất thiết bị điện tại Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu, Cụm công nghiệp Quất Động (huyện Thường Tín)

 

Đâu là động lc tăng trưởng?

 

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng nhưng vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại. Đó là dịch Covid-19 vẫn ẩn chứa hệ lụy, áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng, chuỗi cung ứng và thị trường thế giới bất ổn. Mục tiêu quan trọng vẫn là ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn đồng thời duy trì tăng trưởng thông qua điều hành vĩ mô.

 

Đại diện IMF tại Việt Nam và Lào Francois Painchaud cho rằng, khi có áp lực lạm phát, tài khóa là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ tài khóa ở mức 5-6% GDP trong 2-3 năm tới. Trong khi đó, dẫn chứng về chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng ở một số lĩnh vực và chính sách hỗ trợ 2% lãi suất trong 2 năm 2022-2023, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, những quyết sách đúng đắn sẽ mang lại hiệu quả dù có độ trễ nhất định, vì vậy cần kiên trì vận dụng, phát huy. Cộng đồng doanh nghiệp khi được hỗ trợ thiết thực sẽ sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

 

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Chính phủ nên hỗ trợ cả bên cung và bên cầu; kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa nên tập trung hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp, hộ kinh doanh, những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 bên cạnh những ngành có thể phục hồi nhanh.

 

Xuất khẩu tiếp tục là “mặt trận” quan trọng hàng đầu và sẽ phát huy thế mạnh để đóng góp cho tăng trưởng. Các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, nông - thủy sản, điện thoại, sản phẩm công nghiệp chế tạo… được tạo điều kiện hỗ trợ mở rộng thị phần, quy mô xuất khẩu sang các khu vực đã ký hiệp định thương mại tự do nhờ các lợi thế cạnh tranh tương đối so với hàng hóa của các nước khác. Mới đây, Viện Quản trị Chandler (Singapore) đã công bố Chỉ số chính phủ tốt năm 2022. Theo đó, Việt Nam tăng 18 bậc lên vị trí thứ 39 về chỉ số thu hút đầu tư, đồng thời đứng thứ 15 về chỉ số sự hài lòng đối với các dịch vụ công. Điều đó cho thấy mức độ cải cách có hiệu quả của Việt Nam trong mắt giới đầu tư, từ đó kích đẩy hoạt động đầu tư, giao thương, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu.

 

Bên cạnh đó, Chính phủ đang tập trung xử lý rốt ráo đối với những tồn tại trong giải ngân vốn đầu tư công - một động lực của tăng trưởng. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập các tổ công tác trực tiếp xử lý vướng mắc, kể cả trách nhiệm của người đứng đầu từng đơn vị. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sẽ dứt khoát điều chuyển vốn từ những nơi chưa giải ngân, chậm giải ngân sang nơi có khả năng giải ngân nhanh để tạo lực đẩy cho phát triển kinh tế.

 

Theo Hà Nội mới

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang