Nhiều đơn hàng xuất khẩu đầu năm
Những ngày xuân chưa hết nhưng các nhà máy của Công ty Vina T&T Group đã bắt tay tập trung sản xuất. Từ mùng 4 tết (ngày 8-2), nhà máy đặt tại huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) đã nhận trái cây từ các nhà vườn Tiền Giang, còn nhà máy huyện Cai Lậy nhận sản phẩm từ Đồng Tháp, Vĩnh Long. Bên trong nhà máy, hình ảnh những công nhân hối hả lựa chọn từng trái thanh long chuyển vào dây chuyền chiếu xạ, đưa vào kho lạnh để kịp chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu vào mùng 7 tết (ngày 11-2). Điều đó đồng nghĩa với việc để nhà máy có sản phẩm thì nông dân đã phải ra vườn thu hoạch từ ngày mùng 3 tết.
Theo Công ty Vina T&T Group, trong ngày đầu tiên làm việc sau tết, công ty phải làm thủ tục xuất khẩu 23 container nhãn, thanh long và dừa đi Mỹ. Trong đó, có 16 container thanh long đi bằng đường hàng không, mỗi container khoảng 900kg. Các container còn lại đi bằng đường biển, gồm 2 container nhãn tổng cộng 36 tấn; 2 container thanh long tổng cộng 22 tấn và 50.000 trái dừa tươi, ước tính khoảng 3 container. “Khâu vận chuyển trái cây rất quan trọng, nếu không đúng quy trình bảo quản, trái cây rất dễ bị hư nên công nhân phải làm từ sớm. Đơn cử, thanh long rất khó bảo quản trong khi vận chuyển, thường bị nhũn trái. Để bảo đảm chất lượng, phải giữ trái thanh long trong nhiệt độ ổn định, buộc phải thu hoạch vào thời điểm rạng sáng rồi đưa ra nhà mát để đóng hàng và chở đến nhà máy vào trời tối để chiếu xạ”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho hay.
Vừa mới khánh thành Nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood tại tỉnh Tây Ninh không bao lâu, Công ty Lavifood đã có đơn hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc các loại trái cây chế biến đông lạnh như xoài, đu đủ, thanh long… trong những ngày đầu xuân. Theo ông Đinh Hùng Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Lavifood, nhà máy được xây dựng với công suất lên đến 60.000 tấn thành phẩm mỗi năm. Với công nghệ đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ, sản phẩm giữ nguyên vẹn độ tươi và dinh dưỡng, kéo dài thời hạn sử dụng, nâng cao giá trị, độ an toàn cho trái cây Việt xuất khẩu.
Một tin vui khác, đó là trong những ngày đầu năm (từ ngày 6 đến 8-2-2019) Hiệp hội Rau quả Việt Nam dẫn đoàn xúc tiến thương mại sang Hội chợ triển lãm trái cây của Đức để tìm kiếm cơ hội, mở thêm thị trường xuất khẩu cho trái cây Việt. Ngay trong ngày đầu làm việc lại, Công ty TNHH Huy Long An (chuyên xuất khẩu chuối) cũng sẽ bắt đầu chiếu xạ để chuẩn bị cho các đơn hàng đi Nhật, Hàn Quốc vào ngày 12-2; trong năm 2019 sẽ mở rộng vùng sản xuất nhằm cân đối, tránh xảy ra tình trạng thiếu hụt thị trường…
Sản xuất sạch đáp ứng thị trường khó tính
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả được 3,5 tỷ USD, năm 2018 đạt 3,8 tỷ USD và kỳ vọng năm 2019 đạt được 4 tỷ USD, hướng đến năm 2020 phải đạt được 5 tỷ USD. Trung Quốc chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu về rau quả. Thị trường trái cây Việt Nam sẽ còn mở rộng, tiềm năng rất nhiều và kỳ vọng xuất khẩu sang những nước khó tính theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…
“Thị trường tiêu thụ lớn Trung Quốc đưa ra rào cản phải theo đường chính ngạch, phải có truy xuất nguồn gốc, khai báo, nên nông dân buộc phải đi vào sản xuất tập thể theo quy mô hợp tác xã, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm VietGAP, GlobalGAP. Nhờ vậy, nông sản Việt sẽ vượt qua các rào cản kỹ thuật và đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam cũng được sử dụng thực phẩm sạch nhiều hơn”, đó là nhận định của ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam. Thị trường Trung Quốc rất quan trọng, vì là nước láng giềng, thuận lợi rất nhiều vấn đề từ chi phí vận chuyển, bảo quản cho đến thị trường tiêu thụ lớn. Hiện Trung Quốc chỉ mở 8 mặt hàng xuất khẩu chính ngạch đối với Việt Nam. Để mở rộng sản phẩm, Bộ NN-PTNT đang đàm phán với Trung Quốc mở thêm nhiều mặt hàng như sầu riêng, chanh dây…
Nhận định về tình hình xuất khẩu 2019, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay nhờ Trung Quốc siết chặt hàng rào kỹ thuật mà nông dân Việt Nam tự động chuyển đổi sang sản xuất sạch, trái cây sạch Việt Nam sẽ nhiều hơn, giá nông sản sạch sẽ dễ tiếp cận hơn, không còn tình trạng giải cứu, rủi ro thu mua… như từ trước đến nay. Để đảm bảo vùng trồng, Công ty Vina T&T Group đặt cọc khoảng 50 triệu đồng/ha cho nông dân ngay từ đầu mùa vụ để mua nguyên liệu và 2 năm chi 2.000USD để được cấp tiêu chuẩn GlobalGAP. Để hạn chế rủi ro, công ty còn thuê các chuyên gia của công ty nhập khẩu qua nhà máy giám sát, kiểm tra mẫu trái cây trước khi đưa vào chiếu xạ. Nếu phát hiện trái cây không đạt tiêu chuẩn sẽ hủy ngay lô hàng, tránh trường hợp tốn chi phí vận chuyển đi và về. Kỳ vọng năm 2019, Mỹ sẽ mở cửa thị trường với trái xoài Việt Nam, một số quốc gia khác sẽ mở rộng thêm một số loại trái cây, thị trường xuất khẩu sẽ còn tăng trưởng mạnh.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, đề xuất: “Nhà nước cần khai thông các bế tắc trong quan hệ đối ngoại và mở thêm sản phẩm xuất khẩu chính ngạch. Cần tạo phong trào sản xuất an toàn để thu lợi nhiều hơn trong cộng đồng nông dân Việt, đây là cơ sở để nông sản Việt vào nhiều thị trường khó tính hơn, từ đó chấm dứt vấn nạn “được mùa mất giá”, tình trạng đổ bỏ nông sản vì giá rẻ, rủi ro từ thương lái, giúp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam và cải thiện đời sống, thu nhập cho người nông dân”. Ông Đinh Hùng Dũng cho biết, dự kiến trong 10 năm tới, Lavifood sẽ phát triển chuỗi 10 nhà máy chế biến rau củ quả hiện đại, cùng kế hoạch phát triển 33.000ha vùng trồng quy hoạch, dưới hình thức liên kết và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2018, các địa phương đã chuyển 105.000ha đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn quả và các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Sản lượng và chất lượng nhiều loại rau màu tăng, trái cây tăng hơn 26.000ha về diện tích và hơn 300.000 tấn về sản lượng so với năm 2017. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ đã đem lại thu nhập cao gấp trên 5 lần so với sản xuất lúa. |
Nguồn SGGP