Nếu yêu mến sự tài hoa, đôi bàn tay khéo léo của bà con dân tộc đã tạo nên những kiệt tác ruộng bậc thang độc đáo và hùng vĩ, du khách có thể dạo một vòng cung đường dưới đây theo lịch lúa chín để thưởng ngoạn Tây Bắc mùa sắc vàng rực rỡ, hương lúa thơm nồng.
Sa Pa, Lào Cai
Nhắc đến Sapa người ta thường nghĩ ngay đến thị trấn sương mù mà quên mất rằng nơi đây còn níu chân du khách với những cánh đồng lúa chín vàng óng. Theo kinh nghiệm của những người dân bản địa chia sẻ thì mỗi năm lúa chín sẽ chênh lệch nhau khoảng 10 ngày.
Do đó, thời điểm lý tưởng nhất để đi Sapa là khoảng cuối tháng 8 đến giữa tháng 9. Lúc này bạn sẽ được chiêm ngưỡng những thửa ruộng vàng rực rỡ trên khắp con đường đi.
Những cánh đồng ruộng bậc thang như những chiếc thang trời ở các bản làng Trung Chải, Tả Phìn, Lao Chải, Tả Van và gần đây là Y Tý... luôn là điểm đến hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với du khách trong và nước ngoài.
Tại đây du khách vừa được chiêm ngưỡng những bậc thang lúa vàng tuyệt đẹp trong nắng vàng, vừa được khám phá văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số.
Khung cảnh bình yên lúc chiều tà
Đặc biệt, khi đi cáp treo Fansipan nhìn từ trên cao xuống, ruộng lúa chín vàng uốn lượn, trông như những tấm vải lụa trải dài dưới chân đồi, tạo nên khung cảnh đẹp như tranh vẽ.
Mù Cang Chải, Yên Bái
Mù Cang Chải mùa lúa chín, cả con đường quốc lộ nhuộm một màu vàng óng ả của những thửa ruộng bậc thang trải rộng đến tận sát con suối dưới thung, của những khuôn mặt rạng rỡ mùa thu hoạch và của nắng thu vàng như mật.
Vào dịp này, thị trấn Mù Cang Chải vốn vắng vẻ, thưa người bừng trở nên sôi động bởi sự xuất hiện của các phóng viên, nhà báo, nhiếp ảnh gia... tụ tập thành từng tốp, từng hàng say sưa ngắm, chụp những thửa ruộng bậc thang chín vàng đẹp nhất. Màu vàng của lúa, màu xanh của núi rừng và màu trắng của mây như tô điểm cho nhau, làm nên một bức tranh chấm phá nhiều màu sắc.
Mù Cang Chải mùa lúa chín.
Trên bầu trời Khau Phạ, những cánh dù nhè nhẹ bay lượn trong gió rồi trình diễn những bước tiếp đất đẹp mắt. Là một trong bốn điểm có tiềm năng bay đẹp nhất Việt Nam, cả về điều kiện thời tiết cũng như cảnh sắc thiên nhiên nên cứ vào tuần “Lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải” diễn ra, các CLB nhảy dù trong nước và quốc tế lại tập trung về Yên Bái tham gia biểu diễn “bay trên mùa vàng”, chinh phục và thu trọn tầm mắt vẻ kỳ vĩ của núi rừng và tuyệt tác ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Khắp vùng thung lũng trải dài từ Tú Lệ tới Mù Cang Chải, đèo Khau Phạ... hương lúa mới ngào ngạt, gió mát mơn man, mùi lúa chín thơm quyện với mùi khói bếp tỏa ra từ nóc nhà của bà con dân tộc ẩn hiện trong không gian bao la... Nhắm mắt lại, trong tôi mọi âm thanh, hương vị hiển hiện rõ ràng như thể bản thân còn đang đứng đó. Kìa những ruộng bậc thang gối lên nhau cao tít tắp ở Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, đi mãi không thấy mỏi, ngắm mãi không thấy chán.
Kìa những thửa ruộng bậc thang uốn lượn ở La Pán Tẩn cùng trùng trùng điệp điệp dãy Hoàng Liên Sơn sừng sững giữa tiết trời quang mây, nắng ráo. Xa xa, cô gái Mông vui vẻ qua suối để về nhà, chiếc gùi trĩu nặng thóc nếp cắt sớm được mang về để làm cốm non đầu mùa. Một vài mái nhà tranh nằm lọt giữa ruộng lúa bát ngát, khói đốt rơm bay cao khiến trong lòng chúng tôi dâng lên cảm giác thanh bình, thân thương mà khó đâu có được.
Chụp ảnh với đồi Mâm Xôi nổi tiếng ở Mù Cang Chải.
Hoàng Su Phì, Hà Giang
Là nơi gieo lúa vụ đông muộn nhất ở miền Bắc, đây là điểm thăm quan ngắm lúa vàng cho những ai chưa lên kế hoạch đi ngắm lúa chín sớm được. Cung đường Hà Giang khá hiểm trở nhưng cảnh những ruộng bậc thang rộ vàng là phần thưởng xứng đáng cho các phượt thủ. Đặc biệt, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được công nhận là di sản quốc gia.
Cảnh sắc mùa lúa chín ở Hoàng Su Phì.
Tới Hoàng Su Phì không thể không ghé thăm xã Bản Phùng. Nơi đây tập trung đông nhất người La Chí sinh sống và cũng là nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất Hoàng Su Phì.
Người dân ở Bản Phùng làm ruộng bậc thang khác các nơi vì họ không có nguồn nước tưới chủ động 100% mà chủ yếu phụ thuộc vào lượng mưa. Điểm nổi bật ở Bản Phùng là các bản làng nằm xen kẽ với ruộng lúa, trên cao có dưới thung lũng cũng có, người dân tộc La Chí rất hiếu khách, vui vẻ và sẵn sàng giúp du khách trải nghiệm văn hóa.
Bức tranh thiên nhiên mang sắc vàng rực rỡ.
Lúa ở Hoàng Su Phì thường không bao giờ thu hoạch sớm, người dân thường để lúa chín già, vàng óng và ngả nghiêng do độ nặng của hạt mới thu hoạch, lúc đó hương lúa chín thơm ngào ngạt và đi theo từng cơn gió bay khắp nơi. Nhiều đoạn đường có mây sà xuống bao phủ, núi đồi, đồng ruộng, những bản làng bay khói lam chiều, tiếng suối róc rách tạo nên một khung cảnh nên thơ, lãng mạn.
Sau khi thưởng ngoạn hết cảnh quan của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, du khách nên trải nghiệm chợ phiên Bắc Hà được họp vào chủ nhật hàng tuần, là nơi tụ hội của các đặc sản của người dân tộc thiểu số.
Hoặc, bạn có thể dành thời gian thăm và tặng quà các điểm trường mầm non, tiểu học tại bản Phùng, tìm hiểu về cuộc sống của người La Chí, những đôi bàn tay lao động khéo léo đã làm nên những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ và đẹp nhất nước ta.
Theo Lao động