Ấy thế mà tỷ lệ nghịch với nụ cười trong veo của trẻ thơ về cái gọi là Tết, có bánh chưng, có quần áo mới lại là nỗi lo xuất hiện trên mắt những đấng sinh thành. Bọn trẻ quá nhỏ, quá vô tư để biết được rằng những thứ chúng nghĩ trong ngày Tết không phải tự nhiên mà có. Tiếng thở dài đã cố nén nhưng ai cũng rõ “Tiền đâu tiêu tết bây giờ”. Chỉ chuyện sắm cho con một chiếc áo mới, cũng làm mẹ trăn trở cả giấc ngủ không lành.
Năm nay nhiều đứa bạn sinh viên không về quê ăn tết, cũng không đứa nào nặng lời than trách như mọi năm. Có lẽ lũ bạn đã lớn để hiểu tiền nong quan trọng và tết không chỉ đơn giản là về nhà gặp gỡ, tụ họp bạn bè người thân nữa rồi. Nhà cũng đã mất hết sau những cơn bão, về quê còn gì mà ăn tết nữa. “Nghe đâu, năm ni bọn sinh viên trong lớp ở lại nhiều lắm…”, tiếng bố an ủi mẹ nhưng cũng không dấu nổi một nỗi buồn vừa kịp buông. Tay mẹ vẫn bỏ củi đều nấu nồi cháo lợn mà mắt như ngân ngấn nước dù biết năm nay không phải lo một khoản tiền cho cô chị sau tết vào học nữa.
Xuân luôn tươi trẻ và xinh đẹp như cái tên của nó vậy. Hay nói một cách nhân hoá thì mùa Xuân về hào phóng với tất cả vạn vật, kể cả lão ăn xin nghèo. Cả xóm ngạc nhiên với cái dáng nhếch nhác và lủi thủi thường ngày khi hôm nay lão có một bộ quần áo tử tế và phẳng phiu còn mới. Có lẽ nhà nào dưới thị trấn đã thanh lý cho lão nên còn đẹp như vậy. Không gia đình, không vợ con, hỏi tên tuổi lão cũng ậm ờ không rõ. Nay đây mai đó, không bao giờ lão ở yên một chỗ. Lão vẫn đi ngây dại với cái đầu rỗng và chiếc túi lủng lẳng đồ ăn xin được. Dân ở đây nghèo nhưng tình thương của họ không nghèo. Họ vẫn cho lão bát cơm, mời lão cốc nước uống. Mỗi khi có cỗ, họ vô tư kéo lão vào nhà ăn như những vị khách. Bọn trẻ đã quá quen thuộc với hình dáng ấy, thỉnh thoảng thấy lão có kẹo, chúng còn ngửa tay xin và phân phát cho nhau. Tiếng lão cười khà khà một cách đáng sợ, nhưng tay vẫn móc hết kẹo cho lũ nhỏ. Đúng là ăn xin còn gặp người nghèo. Người lớn lắc đầu, nhưng cũng không biết từ bao giờ họ đã xem lão là thành viên trong xóm.
Trời quang, nắng buông nhẹ, gió xuân khẽ lay cũng làm những chiếc lá bàng thi nhau rụng. Có lẽ quy luật tự nhiên làm thân cây đang oằn mình trút lá để khoác lên những chồi non mơn mởn mới. Sân vườn đầy lá rụng làm cô bé con quét chán lại trở thành mơ màng, lãng mạn ngắm nhìn rồi khẽ khàng dẫm lên thảm lá ấy. Một cảm giác sột soạt là lạ, làm dậy lên cả mùi mang vị quê hương ấm cúng da diết.
Ngoài vườn, hoa cải đã chơm chớm chuẩn bị bung những bông hoa vàng rực rỡ. Tiếng mẹ phàn nàn. Hình như là phải bán vườn rau cải ấy trước khi nó mất hết giá trị về kinh tế. Mẹ muốn tranh thủ đợt nắng ấm này để trồng thêm một lứa cải mới bán cho dịp tết. Cô bé con lại tiếc hùi hụi không thể tung tăng hái bông hoa cải cài đầu hay làm một lọ hoa đón tết như năm ngoái được nữa...
Người người vẫn tất bật, chân cứ bước đi theo nhịp cuộc sống. Xuân về truyền luôn cả nhựa sống cho vạn vật, xen lẫn vào tiếng cười rộn rã của các bác nông dân khi vác cày ra ruộng. Họ đang nói những chuyện vui, về một cái tết đầm ấm, năm mới sẽ làm ăn phát đạt. Năm mới một chân trời mới lại mở ra trước mắt mọi người hi vọng thành công, niềm vui hạnh phúc và mọi thứ sẽ đến trong tương lai. Ừ, tết đã về như thế đấy!
Hoàng Nhung