Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến. Nguy cơ các loại sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, sản phẩm giả, nhái và sản phẩm không có nguồn xuất xứ xuất hiện trên thị trường trong dịp này là rất cao.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị các đồng chí Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và đồng chí Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.
Trong đó, chủ động xây dựng thông điệp và phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, người kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Phổ biến, tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm theo các quy định hiện hành.
Tuyên truyền các quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm, công bố sản phẩm, bảo quản sản phẩm thực phẩm.
Bên cạnh đó, tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh nơi bán sản phẩm, quy định về nhập khẩu sản phẩm thực phẩm, quy định công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn sản phẩm thực phẩm, quy định về vệ sinh cá nhân người kinh doanh thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh: Các cơ sở kinh doanh bánh trung thu cần kinh doanh và bảo quản sản phẩm ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để bánh trực tiếp dưới ánh nắng, không để gần hàng hóa có mùi lạ. Tuyệt đối không được bán bánh quá hạn sử dụng, bánh bị mốc hỏng.
Đối với người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo: Trong dịp tết Trung thu, người tiêu dùng nên mua bánh trung thu ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán bánh đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra kỹ nhãn mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng; không sử dụng bánh đã mốc, hỏng.
Đối với các cơ sở sản xuất: Tập trung thanh tra, kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, kiểm nghiệm sản phẩm, ghi nhãn, bao bì sử dụng, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm hoặc bán thành phẩm, quy định vệ sinh cá nhân người trực tiếp sản xuất.
Đối với các cơ sở kinh doanh: Thanh tra, kiểm tra điều kiện vệ sinh cơ sở nơi bảo quản, bày bán bánh, nguồn gốc xuất xứ bánh, hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn sản phẩm thực phẩm, quy định ghi nhãn sản phẩm, quy định vệ sinh cá nhân người trực tiếp kinh doanh thực phẩm.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp truyên truyền trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm kết hợp lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm theo quy định, xử lý nghiêm các vi phạm, công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 8097/VPKGVX đề nghị sở, ngành liên quan thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm Tết Trung thu.
Theo đó, các địa phương xây dựng kế hoạch và thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra tại địa phương để triển khai thanh tra, kiểm tra trên địa bàn từ ngày 5/9/2017 (bao gồm cả trước, trong và sau Tết Trung thu). Các đoàn kiểm tra liên ngành của trung ương và các đoàn thanh tra, kiểm tra ở địa phương báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra về Bộ Y tế trước ngày 6/10/2017; báo cáo kết quả đợt thanh tra, kiểm tra Tết Trung thu trước ngày 20/10/2017.
Đối với các trường hợp vi phạm thuộc diện phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, các đoàn thanh tra, kiểm tra và các đơn vị chức năng, các địa phương phải kịp thời công bố công khai vi phạm, tên tổ chức cá nhân vi phạm và các thông tin liên quan để cảnh báo cho cộng đồng.
Nguồn Vietq.vn