Truyền thống đón Tết của người Việt
Sau ngày 23 tháng chạp, “đưa ông Táo về trời” các thành viên trong nhà khi đã về đông đủ, họ tổ chức đi chạp mộ, tỏ lòng nhớ về cội nguồn. Sau đó tập trung dọn dẹp, trang trí nhà cửa chuẩn bị đón năm mới.
Ngày 30 tháng chạp, mỗi nhà làm một mâm cơm cúng tổ tiên, trước là “rước ông bà” về nhà đón Tết, sau để người thân trong gia đình tụ họp, ăn uống. Tục xưa quan niệm: Mỗi năm có một ông Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao cho thần kia, nên cúng tế, đốt pháo để tiễn đưa ông cũ, đón mừng ông mới. Trước kia, được đốt pháo từ ngày 30 đến hết ngày mùng 1, xóm làng luôn rộn ràng tiếng pháo đì đùng. Nay, để tiết kiệm và an toàn,pháo không được đốt, Nhà nước đã tổ chức bắn pháo hoa cho người dân thưởng lãm.Có pháo hoa đúng đêm giao thừa, dần dà, nhiều người có xu hướng đón giao thừa ngoài đường, nhất là giới trẻ, ít quan tâm đến các lễ nghi cúng bái. Chùm pháo hoa cuối cùng vừa lụi cũng là lúc chiếc kim dài, kim ngắn đồng hồ chỉ số 12. Vậy, ai đi xem pháo hoa là không thể về nhà trước 12 giờ đêm 30 Tết.Trong khi, ông bà ta quan niệm về nhà sau giao thừa tức là tự xông đất nhà mình (xông đất đầu năm rất quan trọng). Giao thừa là thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi đất-trời giao thoa, vạn vật như tạm ngưng trong giây phút, để rồi lan tỏa sức sống mới cùng sự tái sinh kỳ diệu. Vì thế, người lớn tuổi vẫn giữ nếp nhà, rất kiêng kỵ việc con cháu trong gia đình vắng mặt lúc giao thừa.
Theo tục lệ, giao thừa được tổ chức nhằm đón các thiên binh, khi họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào nhà nên bàn cúng giao thừa được đặt ở ngoài cửa chính. Mâm lễ được sắp đặt với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đãcai quản năm cũ và đón người mới xuống làm nhiệm vụ. Vì việc bàn giao, tiếp quản hết sức khẩn trương, các vị chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của gia chủ. Mâm lễ gồm có bình hoa tươi, 3 nén hương thơm, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật trên bàn cúng của người miền Nam thường là con gà trống luộc, bánh trưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu, nước và vàng mã.
Cúng Giao thừa xong, gia chủ khấn Thổ công - vị thần cai quản trong nhà, để xin phép cho tổ tiên về nhà ăn tết. Ngày mùng 3 tháng giêng thì làm cỗ thắp hương “tiễn ông bà”. Trong ba ngày Tết, đến bữa đều làm cơm canh thắp hương mời tổ tiên đầy đủ, để ông bà no bụng phù hộ cho con cháu bình an trong năm mới.
Người Việt quan niệm, ngày mùng 1 Tết nếu mọi việc suôn sẻ, may mắn thì cả năm sẽ thuận lợi. Người khách đầu tiên đến thăm nhà đầu năm rất quan trọng, nên cuối năm gia chủ thường tìm những người trong bà con hay láng giềng tính tình vui vẻ, nhanh nhẹn, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm nhà. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng năm, mười phút không ở lại lâu để mọi việc trong năm của chủ nhà được thuận lợi, thông suốt. Thời xưa chỉ có hai cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm: Kẻ làm quan, người có học chọn người xông đất có tuổi hợp với tuổi chủ nhà và người xông đất phải là đàn ông trụ cột trong gia đình, đối với người lao động, người được chọn xông đất khỏe mạnh, tốt tính, gia cảnh khấm khá, gia đình hòa thuận.
Lì xì ngày Tết - Nét đẹp văn hóa của người Việt
Xưa nay, người Việt thường chọn ngày đầu năm xuất hành và hái lộc để tìm may mắn gia đình. Trước khi xuất hành người ta phải chọn ngày, giờ và hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỷ thần... Nếu xuất hành ra chùa hay sau khi lễ bái mọi người thường bẻ một “cành lộc” là cành đa nhỏ, cành đề, cành si... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc, mang về nhà lấy may. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc đem về thường cắm ở bàn thờ. Tuy nhiên, cũng có người cho là không nên bẻ cây, lá nơi đền chùa mang về nhà. Vì đền, chùa là nơi các linh hồn cơ nhỡ ẩn mình trong những chiếc lá, nhành cây, nếu đem vào nhà là không tốt.
Đơn giản lễ nghi
Ông bà ta có câu “mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”.Theo quan niệm, sáng mùng Một tết (ngày Chánh Đán), con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ tổ tiên, chúc tết ông bà và các bậc cao niên. Tuy nhiên, điều kiện sống giờ đây mỗi người ở một nơi, nhất là khi con cái trưởng thành lập gia đình riêng lại ở xa, khó có thể quy tụ về nhà cha mẹ ngay sáng mùng Một tết. Có những gia đình kinh tế eo hẹp lại làm ăn xa xứ, chỉ có thể vài năm mới về thăm quê được. Vì vậy, những người lớn tuổi trong họ mạc cũng xí xóa cho việc vắng mặt của những thành viên đó trong ngày tụ họp họ hàng. Thay vì gặp mặt chúc tết, con cháu ở xa thường gọi điện thoại về chúc tết cha mẹ, ông bà, thăm hỏi họ hàng.
Ngày nay, ngoài một số phong tục đã được đơn giản, ngay cả tâm lý háo hức đón tết của mọi người cũng nhạt dần. Xưa kia, từ rằm tháng chạp trở đi chị em phụ nữ trong nhà đã chộn rộn chuẩn bị các món ăn tết truyền thống như làm các loại mứt trái cây, bánh in, bánh thuẫn, bánh tét, bánh chưng, bánh ít, dưa muối, kiệu ngâm chua, thịt (các loại). Nay do áp lực cuộc sống nên họ không chuẩn bị tết như xưa. Hơn nữa, thực phẩm chế biến ngày càng phát triển, với các món ănđược làm sẵn bán trên thị trường, các bà nội trợ chỉ ra chợ làmua được mọi thứ. Tết được nghỉ dài ngày, các thành viên trong gia đình nghỉ làm, nghỉ học, là dịp thuận lợi cho cả gia đình thư giãn, đi du lịch xa. Có gia đình đặt tour đi chơi ngay khi vừa nghỉ làm, có người chỉ ở nhà đón tết ngày mùng 1, mùng 2 xách va ly đi du lịch. Với những người đi du lịch dịp tết sẽ không chuẩn bị gì cho tết.
Kinh tế khấm khá lại sống trong thời hội nhập, việc thay đổi văn hóa sống khó tránh khỏi, mà sự thay đổi phần nhiều diễn ra ở những cư dân thành thị. Còn những người tha hương đến các đô thị làm ăn, tết vẫn là khoảnh khắc để mọi người tìm về quê hương, nơi đó có ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng và làng xóm, nơi đó đầy ắp kỷ niệm khó phai. Hơn cả, nơi đó đã sinh ra,nuôi lớn họ, vì thế dù đi đâu thì những người tha hương vẫn đau đáu nỗi nhớ quê mỗi khi Tết về!
Anh Thư