Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo ATTP
Theo thống kê, huyện Thạch Thất có 2.156 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 19 chợ. Nhằm đảm bảo ATTP trên địa bàn, Ban Chỉ đạo ATTP huyện Thạch Thất đã tăng cường công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức phù hợp với tình hình của địa phương là cấp phát khẩu hiệu tuyên truyền cho các xã, thị trấn, treo khẩu hiệu tuyên truyền “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 dọc các trục đường chính. Chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với Công an huyện, Đoàn Thành niên huyện tổ chức tuyên truyền bằng xe lưu động dọc các trục đường chính của huyện, các ngõ, xóm tập trung đông dân cư; tổ chức phát thanh thường xuyên các nội dung về vấn đề ATTP trên hệ thống thông tin cơ sở; tổ chức 23 buổi tọa đàm, phát 3.200 tờ rơi, áp phích…, tạo nên một làn sóng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và mỗi người dân trong vấn đề đảm bảo an ninh, ATTP; đồng thời phổ biến, hướng dẫn người dân cách lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn.
Chỉ đạo tăng cường hoạt động kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP tại huyện và các xã, thị trấn, chú trọng kiểm tra đối với các cơ sở thực phẩm xung quanh trường học; các bếp ăn tập thể trường học, khu, cụm công nghiệp; các nhà hàng lẩu nướng; cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất nước đóng chai, nước đá dùng liền,... và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tổ chức đánh giá hồ sơ năng lực, điều kiện thực tế của các đơn vị cung ứng thực phẩm vào các trường học năm học 2024-2025 theo Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 08/3/2024 về Đánh giá năng lực các đơn vị cung cấp thực phẩm, cung cấp suất ăn sẵn cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện năm học 2024-2025.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm tại các trường tiểu học có tổ chức ăn bán trú trên địa bàn huyện theo Kế hoạch số 145/KH-BCĐ ngày 19/3/2024 của BCĐ ATTP huyện Thạch Thất về tăng cường kiểm soát ATTTP tại bếp ăn tập thể trường tiểu học trên địa bàn huyện năm 2024.
Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố Hà Nội kiểm tra hoạt động sản xuất bánh Chè Kho tại Cơ sở Sản xuất chè kho Dạ Thảo, xã Đại Đồng
Nhờ đó, những năm qua cũng như 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm đông người. Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có ý thức tốt hơn trong việc thực hiện các quy định đảm bảo ATTP. Người tiêu dùng thực phẩm ngày càng có ý thức hơn, sáng suốt hơn trong việc lựa chọn thực phẩm chế biến cho gia đình.
Hiệu quả của các mô hình đảm bảo ATTP
Bà Vương Thị Ngọc Diên - Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Thất
Trong nhiều giải pháp nhằm đảm bảo công tác ATTP trên địa bàn huyện Thạch Thất, việc triển khai thực hiện các mô hình ATTP đã và đang mang lại hiệu quả tích cực. Trao đổi với bà Vương Thị Ngọc Diên - Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Thất được biết: Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND thành phố và các sở ngành của thành phố, công tác đảm bảo ATTP của huyện được triển khai thường xuyên và chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP của huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều mô hình đảm bảo ATTP đã được triển khai có hiệu quả trên địa bàn như mô hình kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người tại 23 xã, thị trấn; mô hình tuyến phố văn minh tại thị trấn Liên Quan, xóm chợ xã Đại Đồng; mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống tại thị trấn Liên Quan; một số mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm đã tạo ra những sản phẩm thực phẩm an toàn như: Trang trại Hoa Viên - xã Yên Bình, HTX Hương Ngải, Dị Nậu,...
Ông Kiều Cao Quyến - Cơ sở Sản xuất Chè kho Dạ Thảo, xã Đại Đồng cho biết: Bánh chè kho là một sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi đã được huyện, xã quan tâm, tập huấn về ATTP; hướng dẫn quy trình đảm bảo vệ sinh ATTP, truy suất nguồn gốc…, Thực hiện tốt các quy định về ATTP giúp sản phẩm có chất lượng cao hơn, nhờ đó người tiêu dùng cũng tin tưởng hơn khi mua và sử dụng.
Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố Hà Nội kiểm tra hoạt động sản xuất nông nghiệp tại HTX Nông nghiệp Hương Ngải
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đỗ Ban - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hương Ngải chia sẻ: HTX Nông nghiệp Hương Ngải được thành lập năm 2007, với hơn 800 hộ thành viên, sản xuất trên hơn 300 ha đất nông nghiệp. Ngoài trồng lúa, các thành viên còn trồng các loại rau màu. HTX Nông nghiệp Hương Ngải đã thực hiện thành công mô hình trồng rau trái vụ như: Khoai tây, cải bắp, bí đao, xu hào, rau cải,.. cho thu nhập hơn 400 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2016 đến nay, HTX đã áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, HTX được huyện hướng dẫn triển khai mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, các sản phẩm rau, củ của HTX có chất lượng, an toàn; thương hiệu rau an toàn của HTX được nhiều người biết đến.
Được biết, sáng ngày 23/4/2024, Đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội do Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra thực tế tại HTX Nông nghiệp Hương Ngải (xã Hương Ngải) và cơ sở sản xuất bánh chè kho tại xã Đại Đồng. Theo đánh giá của đoàn, hai đơn vị cơ bản đáp ứng các điều kiện về ATTP. Thời gian tới, các cơ sở tiếp tục duy trì và cải thiện hơn nữa về điều kiện sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
MN