Thị trường rộng mở
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mới nổi của Việt Nam, giá trị và cơ cấu kim ngạch xuất khẩu ngày càng có xu hướng tăng. Năm 2010, thị trường Trung Quốc chiếm tỉ trọng là 7%, năm 2014 chiếm 14% và 2017 chiếm 18%. Trong đó, XK cá tra sang Trung Quốc có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Tỉ trọng xuất khẩu cá tra sang thị trường này cũng có sự bứt phá ngoạn mục. Vào năm 2014 chiếm 6,4%, năm 2015 chiếm 10,3%, năm 2016 chiếm 17,8% và năm 2017, thị trường Trung Quốc vượt qua Mỹ và EU trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với tỉ trọng 23%.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thủy sản lớn của Việt Nam đã nắm bắt được thị trường Trung Quốc nên đã đặt văn phòng, bộ máy làm việc tại nước bạn. Các hoạt động xúc tiến sang Trung Quốc không chỉ ở vùng duyên hải nữa mà còn tiến sâu vào bên trong nội địa như ở Hồ Bắc, Tứ Xuyên. Trong số lượng XK cá tra sang Trung Quốc thì XK chính ngạch chiếm 56%, XK qua biên giới chiếm 44%, gần như bằng nhau.
XK tiểu ngạch có 9 tiểu thương tham gia, riêng XK chính ngạch thì hầu hết doanh nghiệp có nhà máy chế biến. Giá XK giữa công ty và tiểu thương chênh lệch 1 USD.
Phải hướng tới xuất khẩu chính ngạch
Theo ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Trung Quốc cũng là thị trường tiềm năng nhưng đang là điểm nóng thế giới về vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó kiểm soát hàng hóa qua tiểu ngạch là một vấn đề đang đặt ra.
Đối với việc XK qua biên mậu, Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn trong xuất khẩu cá tra nhưng thị trường này cũng đòi hỏi nhà cung cấp phải có chứng nhận về chất lượng; sản phẩm đạt đủ yêu cầu về chất lượng của chính phủ Việt Nam và Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc cũng đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo chất lượng và sản phẩm cá tra xuất sang Trung Quốc cũng dần sản xuất theo những tiêu chuẩn khắt khe đã xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ và EU (BAP, GlobalG.A.P, ASC…).
Theo ông Cen Jian, Trưởng ban Thư ký, Hiệp hội Thủy sản Yuexi tỉnh Guangdong, hiện tại Trung Quốc đang thực hiện chính sách thuế suất 0% dành cho thủy sản và nông sản, chỉ đánh thuế 11% VAT cho hàng nhập chính ngạch. Tuy nhiên, ông Cen Jian khuyên Việt Nam nên xuất khẩu theo đường chính ngạch, sản phẩm phải đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp sản phẩm đúng theo yêu cầu và giao hàng đúng hạn.
“Trạm Giang chiếm 66% sản lượng tôm của Trung Quốc, tập trung nhiều nhà máy sản xuất, nhu cầu tôm của Trạm Giang cũng như Trung Quốc rất cao. Hiện tại các sản phẩm tôm của Việt Nam sang Trung Quốc không có mẫu mã, nhãn hiệu nhà máy khiến chúng tôi rất e ngại về chất lượng.
Nếu như tôm và cá ba sa của Việt Nam cứ đi theo tiểu ngạch thì trong tương lai rất bất lợi. Ví dụ như các mặt hàng tôm của châu Âu nhập vào Trung Quốc đều có bao bì riêng, nhìn vào sẽ biết chất lượng rất uy tín, tạo sự tin tưởng cao. Vì thế, tôi khuyên Việt Nam nên xây dựng thương hiệu riêng của mình. Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất sang Mỹ, đạt được tiêu chuẩn Mỹ thì sẽ phát triển rất tốt” - ông Cen Jian khuyến cáo.
Còn theo TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam khuyến cáo, doanh nghiệp phải yêu cầu phía Trung Quốc thanh toán trước để tránh rủi ro, trong điều kiện các công ty chế biến thủy sản trong nước đang thiếu nguyên liệu.
Theo Enternews