Đó là khẳng định của ông Nguyễn Khắc Thận – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình về môi trường đầu tư kinh doanh tại Thái Bình đối với các nhà đầu tư đến từ Thuỵ Sĩ.
Tỉnh Thái Bình được biết đến là địa phương có vị trí gần thành phố Hà Nội, kết nối hệ thống sân bay, cảng biển tại Hải Phòng với hệ thống giao thông đã và đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại, rất thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa toàn cầu. Những năm qua, địa phương này đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển nhanh và đạt nhiều thành tích ấn tượng trong hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, năm 2023, thu hút vốn đầu tư đạt 98.256,6 tỷ đồng, trong đó thu hút đầu tư nước ngoài FDI cán mốc gần 3 tỷ USD và xếp thứ 5 toàn quốc về thu hút FDI. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư FDI vào KCN, KKT giai đoạn 2021 - 2023 của tỉnh đạt gần 104.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI đạt 3,74 tỷ USD, cao gấp 4,45 lần tổng vốn FDI của tỉnh giai đoạn 2020 trở về trước. Chỉ tính riêng 2 tháng năm 2024, thu hút vốn FDI của Thái Bình đạt 78,330 triệu USD.
Trong lĩnh vực hợp tác với Thụy Sĩ, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Bình sang thị trường này đạt 1,2 triệu USD, chiếm 0,05% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may.
Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 10 KCN, 49 CCN với tổng diện tích gần 3.000 ha đã được GPMB và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Do đó, tỉnh Thái Bình rất quan tâm đến việc thu hút đầu tư trên toàn thế giới, trong đó có các nhà đầu tư tại Thụy Sĩ.
Mới đây, tại hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư với chủ đề “KKT Thái Bình – Vệ tinh kinh tế đang lên tại miền Bắc Việt Nam” được tổ chức tại Thuỵ Sĩ, ông Nguyễn Khắc Thận – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa tỉnh Thái Bình với các đối tác Thụy Sĩ trong thời gian tới rất rộng mở, dồi dào. Phía tỉnh Thái Bình mong muốn Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp có trụ sở tại Thụy Sĩ, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Thụy Sĩ sẽ là cầu nối tích cực, góp phần củng cố đoàn kết cộng đồng và hướng về xây dựng quê hương, hỗ trợ, giúp sức cho tỉnh bằng cách kết nối giữa với các công ty, nhà đầu tư Thụy Sĩ.
“Tỉnh Thái Bình cam kết tạo điều kiện, hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư FDI nói chung và doanh nghiệp, nhà đầu tư Thụy Sĩ nói riêng nhằm thúc đẩy hợp tác, đầu tư”, ông Thận cho biết thêm.
Còn theo ông Nguyễn Đức Thương - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Sĩ, lĩnh vực hợp tác giữa Thái Bình với Thụy Sĩ thời gian qua vẫn còn khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế hợp tác của hai bên. Vì vậy, hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư do UBND tỉnh Thái Bình tổ chức là dịp để thúc đẩy hợp tác, đổi mới, tăng trưởng bền vững giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Sĩ. Từ đó mở ra cơ hội mới trong các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia cũng như giữa các địa phương, nhà đầu tư của Thụy Sĩ với tỉnh Thái Bình trong thời gian tới.
Cũng theo ông Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ, SVBG, SACC sẽ tiếp tục phối hợp quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và định hướng đầu tư của tỉnh Thái Bình đến với các doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các công tư vấn đầu tư, các tổ chức nghiên cứu kinh tế tại Thụy Sĩ, châu Âu.
Được biết, thời gian gần đây, tỉnh Thái Bình đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Trong 3 năm qua, KKT Thái Bình đã thu hút được dự án hạ tầng KCN của các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm như: KCN Liên Hà Thái, KCN VSIP Thái Bình, KCN Tiền Hải, Khu công nghiệp Hải Long...
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, hiện có 3 yếu tố giúp địa phương này “hút” các nhà đầu tư. Đó là KKT Thái Bình - địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư, với mức ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam; quỹ đất tại KKT dành phát triển công nghiệp lớn, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của nhà đầu tư. KKT có vị trí địa lý thuận lợi, giáp với Hải Phòng, thuộc tam giác tăng trưởng kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Ngoài ra, tỉnh Thái Bình còn có nguồn nhân lực dồi dào với dân số khoảng 2 triệu người, trong đó có trên 1 triệu người đang trong độ tuổi lao động; người lao động có trình độ, tay nghề cao…
Được biết, trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố, tỉnh Thái Bình đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, không chỉ tăng kết nối giữa các huyện, thành phố, thị xã, mà còn hình thành liên kết vùng, tạo nên sức bật lớn cho tỉnh. Qua đó, mở ra năng lực vận chuyển lớn đáp ứng công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh Thái Bình, tạo động lực thu hút đầu tư.
Theo đại diện KCN VSIP Thái Bình, khi triển khai dự án tại tỉnh Thái Bình, phía doanh nghiệp đã được các cấp chính quyền trong tỉnh đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi. Ngoài ra, quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố rất bài bản, rõ ràng. Trong đó, thể hiện rất rõ mục tiêu Thái Bình sẽ sớm trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng. Từ đó, thu hút được các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Theo diendandoanhnghiep.vn