Theo quy hoạch, đến năm 2020 Thái Bình có 50 CCN với tổng diện tích quy hoạch 2.578ha, hiện đã có 34 cụm được phê duyệt quy hoạch chi tiết, đất đã cho thuê là 314ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 78% diện tích đất thu hồi. Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong thu hút đầu tư phát triển hạ tầng CCN, đến nay Thái Bình đã thu hút được 13 nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng tại 17 CCN. Hạ tầng các CCN đã được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, đặc biệt là công tác xử lý môi trường.
Các CCN trên địa bàn tỉnh cũng đã thu hút 211 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 7.354 tỷ đồng, hiện 161 dự án đã đi vào sản xuất, 25 dự án đang xây dựng… Sự phát triển nhanh chóng của các CCN đã đóng góp quan trọng vào sức tăng trưởng của ngành công nghiệp tỉnh.
Theo ghi nhận từ Sở Công Thương Thái Bình, bên cạnh công tác quy hoạch, việc quản lý sát sao cũng là một trong những yếu tố giúp Thái Bình phát triển tốt CCN. Năm 2005, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quy chế quản lý CCN trên địa bàn huyện, thành phố. Sau đó, tiếp tục sửa đổi quy chế và quy định rõ chức năng nhiệm vụ các sở, ngành, UBND cấp huyện, thành phố, thị xã nơi có CCN. Các huyện, thành phố, thị xã cũng đã thành lập Ban quản lý dự án CCN và Ban quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng làm đầu mối hướng dẫn thủ tục đầu tư và quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư vào CCN.
Mặc dù, đã đạt hiệu quả đáng ghi nhận trong phát triển CCN, tuy nhiên Thái Bình vẫn đang gặp một số khó khăn trong việc hoàn thiện hơn nữa lĩnh vực này. Cụ thể, một số CCN tuy đã được quy hoạch chi tiết nhưng chưa có nhà đầu tư hạ tầng; hiệu quả sử dụng đất chưa cao vẫn còn tình trạng để đất trống; đầu tư kết cấu hạ tầng CCN còn chậm tiến độ và chưa đồng bộ…
Để khắc phục những trở ngại trên, Thái Bình sẽ định kỳ xem xét, rà soát bổ sung quy hoạch phát triển CCN cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó ưu tiên quy hoạch những CCN có diện tích lớn từ 50-70ha để kêu gọi thu hút đầu tư hạ tầng. Bố trí không gian các CCN hợp lý gắn với phát triển làng nghề và xây dựng nông thôn mới. Nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, không để tình trạng chậm có mặt bằng giao cho các chủ đầu tư. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng trong việc tư vấn hướng dẫn giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư.
Tỉnh cũng khuyến khích xã hội hóa các nguồn lực đầu tư về phát triển hạ tầng trong CCN và coi đây là giải pháp quan trọng nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách. Cùng với đó là quan tâm đến chất lượng hiệu quả vốn đầu tư trong phát triển hạ tầng. Đặc biệt, tỉnh tập trung triển khai tốt Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN; làm tốt công tác thanh tra kiểm tra, nhất là giám sát đầu tư; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường; thường xuyên tiến hành đánh giá môi trường CCN và các cơ sở sản xuất hiện có, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng vi phạm về môi trường.
Ngoài ra theo định kỳ hàng quý tỉnh họp giao ban với các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc giúp các DN thuận lợi hơn nữa trong hoạt động đầu tư.
Khuyến khích xã hội hóa các nguồn lực đầu tư trong phát triển hạ tầng các CCN được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách của tỉnh. |
Nguồn Báo Công Thương