Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa công bố báo cáo mới nhất dựa trên dữ liệu hải quan, cho thấy trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả ước đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất, nhập khẩu gần 2,5 tỷ USD rau quả từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, tăng 25% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Mỹ và Hàn Quốc với kim ngạch lần lượt 189 và 188 triệu USD, tăng 31% và 51%.
Đặc biệt, Thái Lan - trước đây đứng thứ 6 sau Nhật Bản và Đài Loan - đã vươn lên vị trí thứ tư với kim ngạch 7 tháng đạt 123 triệu USD (3.064 tỷ đồng), tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Thái Lan hiện là quốc gia tăng mua nông sản Việt mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm.
Bà Ngô Tường Vy, CEO Chánh Thu, cho biết nửa đầu năm nay, Thái Lan tăng cường thu mua nhãn, vải và sầu riêng Việt Nam nhờ chất lượng vượt trội. Đặc biệt, Thái Lan đã tăng đơn đặt hàng sầu riêng đông lạnh, dẫn đến sản lượng xuất khẩu tăng đột biến.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đồng tình và cho biết sầu riêng Việt Nam có quanh năm, trong khi Thái Lan chỉ có theo vụ. Năm nay, Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán do El Nino, khiến sản lượng sầu riêng giảm và trái cây không đạt kích cỡ. Vì vậy, Thái Lan đã tăng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam, một số lô hàng được dùng để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngoài sầu riêng, các tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan cũng nhập khẩu thanh long, nhãn và vải thiều từ Việt Nam để bán tại các hệ thống siêu thị của họ. Sản lượng nhập khẩu từ Việt Nam của các công ty này đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần vào sự tăng trưởng đột biến trong kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Thái Lan.
Thương mại rau quả giữa Việt Nam và Thái Lan đã có sự chuyển dịch đáng kể. Năm 2014, Thái Lan là nguồn cung rau quả số một cho Việt Nam, vượt qua cả Trung Quốc, và duy trì vị thế này đến năm 2019 với giá trị 464,2 triệu USD. Tuy nhiên, đến năm 2023, Việt Nam chỉ nhập 46,5 triệu USD rau quả từ Thái Lan, giảm còn 1/10 so với năm 2019, đưa Thái Lan xuống vị trí thứ 9 trong số các nguồn cung cấp rau quả cho Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi 32 triệu USD để nhập rau quả từ Thái Lan, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, với các loại như chà là, măng cụt, me, và lựu...
Được biết năm 2014, Thái Lan là nguồn cung rau quả số 1 cho Việt Nam, vượt cả Trung Quốc và duy trì đến năm 2019 với giá trị hơn 464 triệu USD.
Sau 10 năm, đầu năm 2024, Thái Lan đã vươn lên là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ 4 của Việt Nam.
Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, khi có hiệp định thương mại tự do, giảm thuế nhập khẩu nên các nước sẽ đưa ra các hàng rào kỹ thuật. Điều này đòi hỏi người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam liên tục cập nhật quy định nhập khẩu của các thị trường để kịp thời đáp ứng.
Theo VNbusiness