Câu chuyện thường ngày
Tại hội thảo “Bảo vệ động vật hoang dã và du lịch có trách nhiệm” vừa diễn ra tại Hà Nội, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên thế giới tại Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm nóng về trung chuyển, săn bắt, khai thác, buôn bán động, thực vật hoang dã trên thế giới.
Không những vậy, Việt Nam còn nổi tiếng là nơi có thể mua nhiều sản phẩm từ động vật hoang dã để làm quà lưu niệm của khách du lịch. Ngay cả các món đặc sản thú rừng cũng được quảng cáo, mời chào nhiệt tình, đáp ứng nhu cầu của thực khách, nhất là khách du lịch châu Á...
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Xuân Sơn, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch có trách nhiệm, Giám đốc Công ty Lữ hành Footprint tại Hà Nội cho biết, rất nhiều lần ông nhận được lời đề nghị của du khách, muốn ăn những món liên quan đến động vật hoang dã trong danh sách cấm. Các du khách này chủ yếu đến từ một số nước châu Á và một số tỉnh, thành phố ở phía Nam.
Tại Hà Nội, ở khu vực làng Lệ Mật (quận Long Biên) hay đoạn cuối Đại lộ Thăng Long vẫn được nhiều du khách tìm đến, với hy vọng được ăn những món chế biến từ động vật quý hiếm.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn, Phó bản Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ: "Nhiều khách Việt Nam đến khu bảo tồn đã đặt vấn đề được ăn thịt thú rừng. Tuy nhiên, người của khu bảo tồn đều từ chối khéo".
Bà S.Ferguson, đại diện Mạng lưới giám sát bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu cho rằng, hoạt động buôn bán trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã là một trong những mối đe dọa lớn đến bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam và khu vực. Điều đáng nói, hoạt động này còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến của Việt Nam, khiến sụt giảm khách và nguồn thu.
“So với nhiều quốc gia khác, du lịch Việt Nam có lợi thế lớn về tự nhiên, các loài động vật hoang dã, cho nên không lý do gì mà lại đánh mất lợi thế đó”, bà S.Ferguson lưu ý.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hương, bên cạnh các mục tiêu tăng trưởng, việc bảo đảm không gây tác động tiêu cực đến thiên nhiên, trong đó có động vật hoang dã là vấn đề đáng quan tâm đối với du lịch Việt Nam.
Chung tay giải quyết
Nhiều chuyên gia cho rằng, để ngành Du lịch tham gia có hiệu quả vào việc giải quyết vấn đề buôn bán, sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, cần có sự chung tay từ nhiều phía.
Theo ông Đặng Xuân Sơn, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch có trách nhiệm, các doanh nghiệp lữ hành phải tiên phong trong việc định hướng du khách không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Từ nhân viên bán hàng đến hướng dẫn viên du lịch… phải thực sự là những tuyên truyền viên về bảo vệ động vật hoang dã, nhằm giúp du khách hiểu hơn về quan điểm của chính quyền nước sở tại đối với vấn đề này.
Ngoài ra, các chương trình tour của công ty lữ hành cũng không có hành trình liên quan đến động vật hoang dã như cưỡi voi, xem gấu, rồi trực tiếp xem hút mật gấu, ăn thịt thú rừng…
Phó bản Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải Nguyễn Quốc Tuấn thì đề cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc vận động, tuyên truyền các điểm đến, nhất là ở các điểm đến du lịch cộng đồng về tầm quan trọng của việc duy trì hệ động vật hoang dã cũng như chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Bà Ngô Thị Mai Hương, Giám đốc cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình cho rằng, các du khách là người quyết định đến vấn đề sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Chính vì vậy, các hành động xung quanh cần phải khiến họ cảm nhận được rằng, luật pháp của Việt Nam đủ nghiêm để trừng trị hành vi mua, sử dụng sản phẩm động vật hoang dã, từ đó khiến họ từ bỏ ý định và chú ý hơn tới các hành trình tour không liên quan đến động vật hoang dã.
Còn theo bà S.Ferguson, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp du lịch, khách du lịch và cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch đối với việc bảo tồn động vật hoang dã. Các doanh nghiệp du lịch cần có cam kết thực hiện việc du lịch động vật hoang dã có trách nhiệm, không mua bán và sử dụng các sản phẩm bắt nguồn từ động vật hoang dã; khuyến khích người dân tham gia vào việc bảo vệ các giống loài hoang dã nguy cấp…
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, Tổng cục sẽ tuyên truyền rộng rãi đến các đối tượng khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng dân cư cùng chung tay góp sức bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Ngành Du lịch cũng đang hướng đến các hoạt động du lịch có trách nhiệm, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường; đồng thời, khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong ngành Du lịch tích cực tham gia bảo vệ các loài động vật hoang dã của Việt Nam và trên thế giới.
Rõ ràng, chỉ khi có sự tham gia từ nhiều phía, nhất là sự ủng hộ của du khách với hành động “du lịch có trách nhiệm”, thì ngành Du lịch mới phát triển bền vững, góp phần giảm thiểu việc buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Theo Hà Nội Mới