TPP sẽ mang lại cho Việt Nam những cơ hội gì và những khó khăn, thách thức như thế nào? Việt Nam sẽ làm gì trong thời gian tới để sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, nỗ lực vượt qua thách thức, tranh thủ cơ hội để vươn lên phát triển nhanh và bền vững?
Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP Việt Nam cho biết, TPP là thành quả của 30 năm đổi mới và đúc kết kinh nghiệm trong suốt quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. TPP thể hiện nhu cầu nâng cao vị thế của Việt Nam (vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, nhất là tại một khu vực đang diễn ra cạnh tranh về chiến lược gay gắt). Thứ hai là, Việt Nam luôn có nhu cầu, có xung lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu liên tục thay đổi, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; liên tục hoàn thiện môi trường kinh doanh; nâng cao sức cạnh tranh; nhu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.
Hiệp định TPP mang lại cho VN cơ hội nâng cao vị thế VN trên trường quốc tế; đem lại xung lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội nhờ tăng trưởng xuất khẩu (theo mô hình tăng trưởng dựa trên sức cạnh tranh), mở rộng thị trường xuất khẩu; Thu hút đầu tư nước ngoài đặc biệt là đầu tư vào những ngành kinh tế quan trọng, đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, từ đó tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống người dân; Tham gia vào mạng lưới sản xuất mới, chuỗi cung ứng mới được hình thành trong khu vực 12 nước TPP (quy mô kinh tế chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu), phấn đấu càng ngày càng vươn lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị à Ranh giới giữa các quốc gia đã mờ đi rất nhiều, “thế giới gần như phẳng”; Tham gia TPP với tư cách là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra rất nhiều chuẩn mực cao trong bộ máy quản lý hành chính nhà nước, đặc biệt là vai trò hành xử khách quan, không phân biệt đối xử, minh bạch, công khai của bộ máy nhà nước giúp hoàn thiện thể chế quản trị, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh.
Còn ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam thì cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp VN ở tất cả các ngành nghề khác nhau đều nhìn nhận thấy việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng là tạo ra cơ hội để mở rộng thị trường với nhiều khách hàng mới hơn, lớn hơn, nhờ đó mới có thể tăng trưởng, phát triển. Tuy nhiên, áp lực đó là các hiệp định đều tạo cơ hội cho DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tham gia được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh vi mô toàn cầu của mỗi DN, DN nào vượt lên được, nâng cao được năng lực cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu chuỗi cung ứng, hay nói cách khác là đạt chuẩn mực của các doanh nghiệp trong chuỗi trên toàn thế giới, không còn là khái niệm một DN Việt Nam nữa, mà nếu đã vào được trong chuỗi thì DN Việt Nam cũng như DN Mỹ, DN ở châu Âu hay châu Á đều đạt chuẩn mực của thế giới. Đây đồng thời là áp lực, thách thức, cũng như cơ hội để sau 5 năm, 10 năm tham gia các hiệp định thì các DN sẽ có một hình hài khác đạt chuẩn mực của thế giới.
Hiện nay, cả nước có khoảng nửa triệu DN, trong đó có 98% DN vừa và nhỏ, khả năng hội nhập còn yếu. Với các DN, nâng cao năng lực cạnh tranh là việc sống còn, nhưng đồng thời chính các DN cũng bị chi phối bởi môi trường kinh doanh. Thực tế rất nhiều DN xuất khẩu VN hiện vẫn chỉ gia công, lấy công làm lợi, sản phẩm làm ra vẫn chưa có thương hiệu, thách thức lớn nhất với các DNXK Việt Nam là gia tăng nội lực, làm thương hiệu quốc tế và được khách hàng quốc tế tin cậy. Vậy các DN VN sẽ cạnh tranh như thế nào khi có quá nhiều hạn chế như vậy?
Theo quan điểm của ông Lê Tiến Trường, điểm yếu nhất, cần khắc phục nhanh nhất chính là văn hóa và tư duy của những người quản trị DN Việt Nam trong khả năng có thể liên kết lại với nhau. Bởi vì khi tham gia vào một chuỗi, DN sẽ phải phục vụ những khách hàng rất lớn ở các quốc gia tiêu thụ. Khách hàng lớn bao giờ cũng đi kèm với yêu cầu cao, đơn hàng lớn, tổ chức sản xuất và các cơ chế sản xuất rất nghiêm túc, chặt chẽ. Vì vậy, quan trọng hơn hết, 500 nghìn DNVN bảo được nhau, liên kết, kết hợp được với nhau, cùng tuân thủ chuẩn mực quản trị mà thế giới đã đưa ra, liên kết với nhau, biến cái có quy mô nhỏ thành cái lớn, đáp ứng quy mô của chuỗi.
Được biết, Tập đoàn Dệt may cũng không có bất kỳ một DN nào có thể đáp ứng nhu cầu đơn hàng của một khách hàng lớn từ Mỹ hay từ Nhật. Khi làm việc ở quy mô tập đoàn, Việt Nam phải cam kết, điều phối giữa các DN thành viên một cách minh bạch, các đơn vị thành viên khi tham gia liên kết đều có một sự cam kết chắc chắn, tuyệt đối từ thời gian, tiến độ, chất lượng, quy chế sản xuất đến các chỉ tiêu đánh giá là giống hệt nhau. Cho nên, tuy làm ở 50 hay 70 đơn vị khác nhau, nhưng sản phẩm là như nhau và được chuỗi cung ứng chấp nhận. Kinh tế vừa và nhỏ có tính linh hoạt riêng, nếu toàn là những cụm rất lớn mà trục trặc với một đơn hàng hay một khách hàng có khi cả đơn vị đó không có việc làm. Nếu khắc phục được điểm này, ngay lập tức những ngành đang có lợi thế so sánh trong xuất khẩu chắc chắn sẽ có tăng trưởng tốt.
Tóm lại, Hiệp định TPP sẽ mở ra một sân chơi mới với người tham gia là nhiều quốc gia đang phát triển với những bộ máy năng động. Chính trong sân chơi này, không chỉ doanh nghiệp, mà Nhà nước cũng phải có sư cạnh tranh vì chỉ với nền tảng thể chế cởi mở, minh bạch, những mong chờ từ TPP mới có thể hiện thực hóa. Bởi, DN không thể tự mình làm tất cả, kể cả khi họ chấp nhận cạnh tranh. Vì họ hoạt động trong môi trường kinh doanh xác định, mà môi trường đó lại do Nhà nước thiết lập ra. Vì vậy, vai trò của Nhà nước trong việc tạo lập ra môi trường cho các DN là rất quan trọng.Thể chế quản trị quốc gia góp phần xác định môi trường kinh doanh, đóng vai trò quyết định nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia, DN, để tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Muốn có một thể chế chất lượng cần xác định đúng đắn các mối quan hệ giữa các chủ thể bao gồm: Nhà nước – thị trường – doanh nghiệp – xã hội.
Nhà nước không nên tham gia làm kinh tế mà cần làm tốt chức năng kiến tạo phát triển bao gồm một số lĩnh vực là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô: Tiền tệ và tỷ giá phải lành mạnh và ổn định, lạm phát được kiểm soát, và đặc biệt tài chính công phải lành mạnh; Xây dựng hệ thống pháp luật công khai, minh bạch, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp như Hiến pháp đã nói và sau đó là cạnh tranh công bằng; Sử dụng nguồn lực của nhà nước, các chính sách, công cụ điều tiết một cách đúng đắn và mang lại hiệu quả cao nhất. Các nguyên tắc thị trường phải là yếu tố quyết định việc huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực và sử dụng nguồn lực. Còn các doanh nghiệp cần có tư duy chấp nhận cạnh tranh, chỉ có như vậy mới nâng tầm được trình độ phát triển kinh tế của mình. Đối với người dân và các DN cùng tham gia xây dựng chính sách, phản biện chính sách, giám sát thực thi chính sách đó, để khắc phục hạn chế các khiếm khuyết của thị trường, chính sách điều hành của Nhà nước.
Theo các chuyên gia, lợi thế cạnh tranh quốc gia đến từ 3 kênh là DN có năng lực cạnh tranh (năng suất lao động, công nghệ, năng lực riêng cốt lõi); xã hội có trình độ dân trí, tác phong công nghiệp, nền nếp sinh hoạt, văn hóa ứng xử; Nhà nước phải cạnh tranh năng lực quản trị với những nước khác.
Rõ ràng chúng ta không chỉ cần sự quyết tâm, tinh thần nghiêm túc trong công việc mà năng lực thực hiện của đội ngũ cán bộ công chức từ trên xuống của toàn bộ hệ thống có vai trò rất quan trọng đến hiệu quả công việc.
Trong quá trình hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia cần bảo đảm sự tương thích giữa cả 3 yếu tố: Luật pháp, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức. Tuy đã làm được nhiều việc nhất định nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, vì vậy, bảo đảm sự đồng bộ tương thích cần được chú trọng, những tiến bộ trong cải cách thể chế phải được chuyển hóa đầy đủ sang cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt chú trọng yếu tố con người (tạo dựng đội ngũ cán bộ công chức có năng lực, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, bên cạnh đó, cần tạo dựng đội ngũ cán bộ pháp lý và các nhà quản trị doanh nghiệp thật tốt). Doanh nghiệp như một cái ô tô, năng lực cạnh tranh là khả năng chạy tốt, an toàn, chạy nhanh, tiết kiệm xăng, ô tô muốn chạy được thì phải có đường tốt, thông thoáng, khoảng cách ngắn, đó chính là thể chế, pháp luật thì DN sẽ chạy nhanh được. Song, có thể chế, có pháp luật tốt rồi nhưng vẫn có nhiều người muốn dừng xe bất cứ lúc nào thì tốc độ cuối cùng vẫn chậm, đó phụ thuộc vào người vận hành thể chế. Nhà nước xây dựng và kiến tạo con đường, để vận hành con đường đó vừa nhanh vừa thông thoáng, cần đổi mới theo hướng bằng các chỉ tiêu đo lường được, đánh giá được, nhìn thấy được, xác định được nó đang có cải thiện hay không cải thiện à Hệ thống chỉ tiêu đo lường quốc gia về mặt thể chế quản trị nhà nước một cách xác thực, gắn với năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn với việc kiến tạo con đường doanh nghiệp chạy được với tốc độ cao nhất. Hài hòa giữa nhiệm vụ quản lý cả một nền chính trị, nền kinh tế đất nước với khuôn khổ cho doanh nghiệp tự phát triển, tự linh hoạt nâng cao năng lực và đóng góp ngược trở lại cho phát triển quốc gia.
Việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP, đã cho thấy tư duy sắc bén và tầm nhìn xa trông rộng của các nhà lãnh đạo VN. Tham gia TPP, Việt Nam sẽ có những xung lực mới thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, rút ngắn tiến trình CNH, đuổi kịp và vượt một số quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Điều quan trọng là tự thân TPP không mang lại tất cả thành quả như mong muốn nếu như không chủ động và hành động để thích ứng. Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, những chủ thể của xã hội sẽ là hạt nhân quan trọng nhất, giúp đất nước và nền kinh tế hội nhập thành công nhằm đạt được mục tiêu, kỳ vọng đã đề ra trong những năm tới đây.
Lương Nghĩa Hằng