Đóng góp lớn
Tại buổi làm việc, ông Đỗ Nhất Hoàng- Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, các tham tán thương mại nói riêng và Bộ Công Thương nói chung đóng vai trò quan trọng vào thành công của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế trong năm 2017.
Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2017, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực phát triển kinh tế với những con số “kỷ lục”. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu châu Á và toàn cầu với 6,81%, mức cao nhất trong 5 năm qua. Quy mô GDP đạt trên 220 tỷ USD; GDP theo đầu người tương đương 2.385 USD/ người. Quy mô thương mại năm 2017 đạt 425 tỷ USD.
Năm 2017, Việt Nam đón 12,9 triệu lượt khách du lịch quốc tế, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 55 tỷ USD, gần 13 ngàn doanh nghiệp (DN) thành lập mới. Thị trường chứng khoán tăng trưởng bùng nổ, vượt mức 1.000 điểm, được coi là thị trường chứng khoán hấp dẫn hàng đầu khu vực…
Năm 2017, cũng là năm Việt Nam thu hút FDI tăng mạnh, với 35,88 tỷ USD vốn đăng ký mới và 17,5 tỷ USD vốn giải ngân, cao nhất từ trước đến nay. Lũy kế đến nay, Việt Nam đã thu hút được 318,7 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn giải ngân ước đạt 172,3 tỷ USD. 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại 63/63 tỉnh, thành của Việt Nam.
Ông Đỗ Nhất Hoàng khẳng định, thành công trong thu hút FDI không thể thiếu vai trò của các tham tán thương mại. Nhất là trong bối cảnh, các tham tán đầu tư còn rất mỏng, chỉ có 10 đại diện xúc tiến đầu tư (XTĐT) tại 10 cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, nên các tham tán thương mại càng đóng vai trò quan trọng hơn trong xúc tiến, quảng bá và giới thiệu môi trường đầu tư Việt Nam.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Đỗ Nhất Hoàng phát biểu tại buổi làm việc
Triển vọng 2018
Năm 2018, theo đánh giá của Tổ chức tài chính quốc tế, triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn của kinh tế thế giới là tương đối sáng sủa, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Cùng với đó, dòng vốn FDI trên thế giới được dự báo đạt trên 1,8 nghìn tỷ USD trong năm 2018, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Do đó, cơ hội cho Việt Nam thu hút FDI là vô cùng lớn, nhất là FDI đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Song bên cạnh những thuận lợi, các đại biểu tham dự sự kiện cũng cho rằng, năm 2018, thu hút FDI của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động bởi chính sách của các nước lớn. Điển hình như sự kiện Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu; tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4; nền kinh tế chia sẻ và tác động của bất ổn chính trị.
Cùng với đó, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, thu hút FDI của Việt Nam hiện nay đang chú trọng đến các dự án có chất lượng, có sức lan tỏa, chuyển dần từ thu hút FDI với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn. Điều này cũng ảnh hưởng đến các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Để tháo gỡ khó khăn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, các tham tán thương mại cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thu hút FDI thông qua việc xúc tiến, chia sẻ thông tin về đầu tư, cũng như việc tổ chức tiếp đón thành công tác đoàn cấp cao sang một số nước. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh thu hút FDI có chọn lọc, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Bộ Công Thương hoàn thiện hơn những văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực CNHT. Vì đây là lĩnh vực quan trọng, tuy nhiên hiện chúng ta chưa có luật CNHT.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương rất quan tâm đến phát triển CNHT. Năm 2015, Bộ Công Thương đã soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định 111/2015/NĐ- CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thời gian tới, để phát triển ngành CNHT, Bộ Công Thương cũng đã nghĩ đến việc xây dựng luật CNHT.
Bên cạnh hoàn thiện các văn bản pháp luật, đại diện các tham tán thương mại cũng cho rằng, để thúc đẩy thu hút đầu tư trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà cụ thể là Cục Đầu tư nước ngoài cần hoàn thiện thêm thông tin về các dự án thu hút đầu tư, các đối tác thu hút đầu tư để các tham tán thương mại dựa vào đó quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Cụ thể, theo ông Vũ Chiến Thắng- Tham tán Thương mại tại Thụy Điển cho rằng: Thụy Điển đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam gần 50 năm nay, đây cũng là một trong những nước Tây Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Các DN Thụy Điển hiện rất quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, tuy nhiên họ lại thiếu các thông tin về các dự án Việt Nam muốn thu hút đầu tư. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Thụy Điển vào Việt Nam, theo ông Vũ Chiến Thắng, cần có các danh mục dự án thu hút đầu tư.
Nguồn Báo Công Thương