Thứ Sáu, 22/11/2024 19:21:35 GMT+7
Lượt xem: 3666

Tin đăng lúc 26-02-2016

Tham tán thương mại khẳng định vai trò “cầu nối”

“Để ngành công nghiệp hóa chất phát triển xứng đáng với tiềm năng và thế mạnh cần phải tiến hành các giải pháp đồng bộ. Trong đó, vai trò của Tham tán thương mại đối với hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư là một giải pháp quan trọng” - đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại buổi đối thoại với tham tán thương mại.
Tham tán thương mại khẳng định vai trò “cầu nối”
Ảnh minh họa

Kết nối hiệu quả

 

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - cho biết: Ngành Hóa chất có tốc độ tăng trưởng cao nhưng vẫn giữ vị trí khiêm tốn trong cơ cấu các ngành công nghiệp. Các Tham tán thương mại đã giữ mối liên hệ thường xuyên với Cục, doanh nghiệp trong ngành, cung cấp thông tin hai chiều kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai hoạt động xúc tiến thương mại.

 

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, Ấn Độ là thị trường tiềm năng của ngành Hóa chất, đặc biệt là các sản phẩm thuốc nhuộm, hóa chất cơ bản. Thời gian qua, hợp tác giữa ngành Hóa chất Việt Nam - Ấn Độ có sự hỗ trợ tốt. Cụ thể: Hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam sang xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ tại Ấn Độ đã đạt được một số kết quả khả quan.

 

Ông Trần Bảo Giám - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Lào - chia sẻ: Hợp tác, quan hệ giữa ngành Hóa chất Việt Nam và Lào rất tốt. Mới đây, Cục Hóa chất đã giúp Lào xây dựng Luật Hóa chất, đồng thời định hướng rõ cho doanh nghiệp hóa chất trong nước tích cực đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Lào. “Đến thời điểm này, Lào là thị trường tiềm năng đối với ngành Hóa chất Việt Nam” - ông Giám nhấn mạnh!

 

Mở rộng thị trường

 

Hiện tại, nhu cầu của thị trường trong nước đối với phân bón DAP khoảng 1 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nước ta có 2 nhà máy đã đi vào hoạt động với công suất 660.000 tấn/năm và đang đầu tư 1 nhà máy công suất 340.000 tấn/năm nữa. Ngoài ra, phân bón NPK nhu cầu khoảng 4 triệu tấn/năm nhưng năng lực sản xuất khoảng 7-8 triệu tấn.

 

Trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Thanh đề xuất: Các thương vụ hỗ trợ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu những mặt hàng trên trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tham tán thương mại tạo điều kiện làm đầu mối, giúp doanh nghiệp tìm kiếm nhà cung cấp khối lượng lớn nguyên liệu để sản xuất hóa chất như: Lưu huỳnh bột, than, quặng phốt phát (Trung Đông); nhà cung cấp hóa chất cơ bản, sản phẩm hóa dầu để sản xuất sản phẩm downstream, hóa dược…

 

Bà Vũ Việt Nga - Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines - khuyến nghị: Ngành Hóa chất nên ban hành danh mục ngành hàng, dự án nào cần thu hút đầu tư, nhập khẩu. Trên cơ sở  đó, Thương vụ sẽ xúc tiến thương mại trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, thông tin mời gọi đầu tư, ngành hàng có nhu cầu nhập khẩu phải thể hiện bằng tiếng Anh rõ ràng, như vậy mới mong tuyên truyền hiệu quả. Ngoài ra, khi Thương vụ cần thông tin, Cục Hóa chất cần cung cấp thông tin kịp thời để Thương vụ thực hiện chương trình xúc tiến riêng cho ngành.

 

 

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị tham tán thương mại, đặc biệt là tham tán tại những quốc gia có ngành công nghiệp hóa chất phát triển cung cấp thông tin hai chiều kịp thời; tiếp tục làm đầu mối, hỗ trợ doanh nghiệp...

 

 

Theo Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang