Diễn ra trong 10 ngày, Ban Tổ chức kỳ vọng triển lãm sẽ tạo chuỗi liên kết giữa 4 nhà: Nhà sản xuất - Nhà quản lý - Nhà khoa học và Nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng phục vụ những nhu cầu thiết thực của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời, triển lãm cũng tạo những trải nghiệm phong phú, thú vị, để lại ấn tượng thân thiện, sâu sắc về văn hóa, con người huyện Thạch Thất, Thủ đô Hà Nội.
Cây Sanh quê được nhận định có giá lên tới hàng triệu đô
Điểm nhấn thu hút khách thăm quan Triển lãm là hàng trăm cây cảnh của các nghệ nhân ở Thạch thất, các huyện lân cận, các tỉnh nổi tiếng với truyền thống làm cây cảnh như Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên. Có nhiều cây cảnh được định giá lên tới hàng tỷ đồng; thậm chí có cây có giá trị hàng triệu đô. Không gian trưng bày cây cảnh là điểm check in yêu thích của nhiều người khi đến với Triển lãm.
Bức tranh gỗ của nghệ nhân Làng nghề mộc xã Canh Nậu
Đến với Triển lãm, khách thăm quan còn được ngắm nhìn, mua sắm những sản phẩm mộc độc đáo, được đục tinh xảo là những kiệt tác của các nghệ nhân làng nghề mộc Chàng Sơn, Canh Nậu, Dị Nậu.
Sản phẩm Tủ chè bằng gỗ Gụ ta của cơ sở Đồ gỗ Mạnh Vũ, xã Canh Nậu được 02 thợ thủ công làm hoàn thiện trong vòng 5 đến 6 tháng. Đường nét đục rất công phu, nhìn vào giống như một bức tranh sinh động với những con vật như vịt, chim bói cá, châu chấu,...sắc nét. Tại xã Canh Nậu có rất nhiều người làm nghề mộc. Hội làng nghề có khoảng 30 người tham gia. Nghề mộc đã góp phần làm cho kinh tế địa phương phát triển.
Chàng Sơn là làng nghề mộc nổi tiếng với kỹ thuật đục chàng chảy. Đục chàng chảy (nghĩa cổ tức là đánh) nhằm chỉ thao tác của chiếc đục cổ, nó đóng vai trò là “linh hồn” với làng nghề Chàng Sơn xưa. Các nghệ nhân làng nghề mộc xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất cũng mang đến những sản phẩm truyền thống là thế mạnh tạo nên thương hiệu làng nghề.
Hiện nay, hoạt động sản xuất tại các làng nghề mộc Chàng Sơn, Canh Nậu, Dị Nậu phát triển đa dạng với nhiều loại hình như các sản phẩm mộc truyền thống, khôi phục nhà cổ, đình đền, miếu mạo, các sản phẩm nội thất hiện đại, cao cấp.
Những sản phẩm mộc mang dáng dấp thời đại, tạo ấn tượng với khách thăm quan.
Bên cạnh đó, Triển làm còn rất nhiều các gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện Thạch Thất và các địa phương khác như: Bánh chè kho Đại Đồng, Chè lam, Chuồn chuồn tre Thạch Xá,...
Được biết, Triển lãm giới thiệu các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh năm 2023 là hoạt động chào mừng kỷ niệm 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Tham dự lễ khai mạc ngày 16/6 có bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; ông Hoàng Trọng Quyết-Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; ông Phạm Quí Tiên-Phó Chủ tịch HĐND thành phố; ông Nguyễn Mạnh Quyền- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; ông Lê Minh Đức - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy; ông Nguyễn Mạnh Hồng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Huyện; ông Nguyễn Minh Hồng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện; các ông, bà là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND Huyện; Chủ tịch UB MTTQ và Trưởng các đoàn thể chính trị xã hội Huyện; Chánh Văn phòng Huyện ủy; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND Huyện…
Minh Ngọc