Theo báo cáo mới nhất của Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, trong năm tài chính 2018, doanh thu đạt 3.621 tỷ đồng, tăng 10,7% so 2017; nộp ngân sách 330 tỷ, tăng 10% so 2017. Điều đặc biệt, năm 2018, Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã trả cổ tức kỷ lục, lên tới 50%.
Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, Rạng Đông có bước nhảy vọt mạnh mẽ trong 5 tháng cuối năm 2018, đặc biệt là dòng LED của Rạng Đông đã tái lập được quyền lực trên thị trường như những năm trước. Cụ thể, kết quả tiêu thụ 32,9 triệu sản phẩm LED (gấp 1,9 lần 2017), doanh thu LED 2.211 tỷ (gấp 1,73 lần 2017), ông Thăng nói thêm.
Chia sẻ về việc trên thị trường tràn ngập đèn LED được nhập từ Trung Quốc, ông Thăng tiết lộ, Rạng Đông đã làm lung lay nhiều doanh nghiệp có ý định Làm giàu bằng việc nhập hàng LED giá rẻ của Trung Quốc về bán tại Việt Nam: "Ngày nay, có hàng nghìn công ty nhập khẩu LED của Trung Quốc có giá rất rẻ, bán được lợi nhuận rất cao, nhưng chất lượng khó có thể đảm bảo. Chính vì lý do, Rạng Đông đã chủ động phối hợp với các cơ quan ban nghành trong nước, một số đơn vị đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài nước để làm chủ công nghệ LED tiên tiến, trong khi nhiều quốc gia còn đang loay hoay tìm đường cho ngành công nghiệp LED”.
Công nghệ đèn LED đang ngày càng phát triển và dần thay thế cho các sản phẩm đèn truyền thống. Một số sản phẩm truyền thống của công ty như đèn huỳnh quang compact (CFL) đang bị thay thế mạnh bởi sản phẩm LED, đang đòi hỏi Rạng Đông phải đổi mới và làm chủ công nghệ mới, ông Thăng chia sẻ.
Trong những thành công gặt hái được phải kể đến việc Rạng Đông đã gây chấn động khi làm chủ công nghệ nấu thủy tinh bằng điện vừa có hiệu suất sử dụng năng lượng cao vừa có một lò thủy tinh không có ống khói. Trải qua kinh nghiệm với 3 lần xây dựng lò thủy tinh kết hợp đốt dầu và điện; nấu điện hoàn toàn nhưng chưa thành công trọn vẹn. Quyết định xây lò thủy tinh phích nấu điện 27 – 36 tấn/ ngày là quyết định táo bạo mang tính đột phá của Ban lãnh đạo Công ty và chỉ sau hơn 3 tháng đưa vào vận hành đã làm chủ được công nghệ nấu thủy tinh bằng điện, khai thác lò vượt công suất thiết kế tới 37,3 tấn/ ngày.
Cải thiện năng suất lao động nhờ Lean Six Sigma
Nhờ áp dụng thành công các bộ công cụ cải tiến năng suất như Kaizen, 5S, BSC, TPS đặc biệt là Lean Six Sigma, dây chuyền sản xuất phích nước của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã tăng năng suất lên 20%.
Phích nước - sản phẩm truyền thống chiếm 20% tổng doanh thu của Công ty Rạng Đông; 60% sản lượng ruột phích được xuất khẩu. Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, Rạng Đông quyết định áp dụng công cụ cải tiến năng suất và Lean Six Sigma vào dây chuyền sản xuất thủy tinh. Dự án được triển khai từ tháng 12/2017 -12/2018 theo phương pháp DMAIC.
Theo ông Trần Đình Nhu – Quản đốc Phân xưởng phích nước - phân xưởng đặt mục tiêu tăng 20-30% năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm 10%. Đối với sản phẩm ruột phích 2L truyền thống, năng suất lao động phải tăng 15% và giá thành sản phẩm giảm được 5%.
Năng suất lao động tăng từ 103 sản phẩm/ người/ngày lên 129 sản phẩm/người/ngày, tổng lỗi sản phẩm giảm từ 20% xuống còn 10%. Dựa trên các báo cáo, phân tích theo DMAIC, phân xưởng xác định được 5 nút thắt lớn trên dây chuyền sản xuất từ đó đưa ra các giải pháp cải tiến cho phù hợp.
Kết quả là tại nút thắt 1 đã giảm được 3 lao động và tối ưu hóa thời gian thao tác, giảm thời gian chờ trên chuyền; nút thắt 2 và 3 đã chuyển từ cắt thủ công sang cắt tự động, tốc độ dây chuyền tăng và sử dụng lò ly tâm liên tục; nút thắt 4 giảm lượng tồn sản phẩm công đoạn, giảm nứt vỡ, tăng tốc độ dây chuyền, sử dụng băng tải vận chuyển liên tục và giảm được diện tích kho trung chuyển 150 m2; nút thắt 5 đã tăng được năng suất lao động do giảm được 3 lao động/công đoạn. Tổng thể toàn dây chuyền sản xuất trước cải tiến mất 8 bước chờ đợi, 4 bước kiểm tra và 8 bước vận chuyển thì sau cải tiến còn 1 bước chờ đợi, 2 bước kiểm tra và 2 bước vận chuyển.
Đối với sản lượng nhập kho của sản phẩm xuất khẩu trước cải tiến và sau cải tiến đã tăng từ 12.500 lên 17.400 sản phẩm/ngày; sản phẩm dị hình từ 10.500 lên 13.550 sản phẩm/ngày và sản phẩm ruột phích 2L tăng từ 20.600 lên 23.000 sản phẩm/ngày. Năng suất lao động của sản phẩm xuất khẩu tăng từ 136 lên 181 sản phẩm/người/ngày; sản phẩm dị hình từ 114 lên 141sản phẩm/người/ngày và sản phẩm 2L từ 206 lên 230 sản phẩm/người/ ngày.
Với mục tiêu đề ra đến năm 2020 doanh thu sản phẩm đèn LED sẽ chiếm 50% tổng doanh thu của Rạng Đông đạt khoảng 2.450 tỷ, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 1.100 tỷ, cùng với các công cụ cải tiến khác, công ty đã quyết định đẩy mạnh áp dụng Kaizen vào sản xuất. Theo đó, Rạng Đông tập trung cải tiến để nâng cao năng suất lao động thông qua cân bằng dây chuyền (BSC), thực hiện Lean và 7 Kaizen tại dây chuyền lắp ráp đèn LED Bulb. Từ kết quả của dây chuyền lắp ráp đèn LED Bulb, công ty đã triển khai nhân rộng ra các dây chuyền sản xuất khác để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm cũng như thương hiệu Rạng Đông trên thị trường.
Sau khi áp dụng biện pháp cải tiến và nâng cao năng suất thì hiện nay năng suất của nhà máy tăng lên từ 10-30%, nhiều dây chuyền tăng tới 50%. Thông qua công cụ Lean, năng suất lao động cũng tăng lên 70% so với khi chưa thực hiện Lean. Từ 17 lao động dây chuyền đã giảm xuống 12 lao động, sản lượng tăng từ 10.000 lên 12.000, ước giảm chi phí khoảng 625 triệu đồng/năm và giảm chi phí đầu tư dây chuyền khoảng 1,2 tỷ đồng.
Năm 2019, Rạng Đông tập trung nâng cao hệ thống phân phối, dịch vụ chăm sóc khách hàng, phát triển thị trường xuất khẩu và các kênh tiêu thụ hiện đại. Đồng thời chuyển từ Công ty công nghệ sang Công ty công nghệ cao.
Theo vietq.vn