Triển khai sớm hơn 1 tháng so với năm 2022
Hiện UBND huyện Thanh Hà đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn tổ chức tuyên truyền, xúc tiến thương mại, quảng bá vải thiều, sớm hơn những năm trước khoảng 1 tháng.
Thông tin từ huyện Thanh Hà cho biết, huyện sẽ in 1.000 thư mời tiêu thụ vải thiều gửi đến các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị; 1.000 tờ rơi, tờ gấp; 20.000 tem truy xuất nguồn gốc… Đầu tháng 4, địa phương sẽ tổ chức hội nghị gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp, siêu thị, hợp tác để bàn biện pháp tiêu thụ. Cuối tháng 5 sẽ tổ chức Tuần lễ vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội. Đầu tháng 6 phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức các điểm bán giới thiệu, quảng bá vải thiều và sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tại các tỉnh, TP Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An...
Huyện cũng sẽ phối hợp xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại một số thành phố, cửa khẩu như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.
Năm nay, Thanh Hà quan tâm đẩy mạnh ký kết hợp tác tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử: Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee. Tiếp tục tổ chức Hội thi hái vải thiều Thanh Hà - tinh hoa văn hóa xứ Đông; Lễ mở vườn vải và cắt băng xuất khẩu; quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu du lịch sinh thái miệt vườn Thanh Hà...
Tại Thanh Hà, thời gian thu hoạch vải u trứng trắng, trứng gai dự kiến bắt đầu từ nửa cuối tháng 5, u hồng từ đầu tháng 6 và vải thiều chính vụ từ giữa tháng 6.
Bộ Công Thương luôn đi đầu trong công tác hỗ trợ xúc tiến vải thiều Thanh Hà
Nhiều năm nay, Bộ Công Thương đã nỗ lực hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, nhất là trong công tác xuất khẩu, xúc tiến sản phẩm vải thiều Thanh Hà lên các trang thương mại điện tử… Trong các năm 2021, 2022, tuy ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid nhưng sản phẩm vải thiều Thanh Hà vẫn tiêu thụ tốt nhờ được hỗ trợ bán trên các sàn thương mại điện tử và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Đồng thời, nhằm đem quả vải Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường quan trọng và mới; tích cực quảng bá hình ảnh và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều của Hải Dương cũng như các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khác. Ngoài ra, Bộ cũng đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hải Dương thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường trong nước.
Thực tế, việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản của tỉnh Hải Dương nói chung đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thị trường xuất khẩu quả vải được mở rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, một số nước ASEAN, quả vải còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường được coi là “khó tính” khác như Hoa Kỳ, Úc, Hà Lan, Anh, Pháp, Canada, U.A.E…
Gần đây nhất, quả vải tươi của Việt Nam tiếp tục mở cửa thành công vào hai thị trường lớn và nhiều tiềm năng là Singapore và Nhật Bản. Đây là tín hiệu tích cực, khẳng định thương hiệu quả vải Việt Nam với thị trường quốc tế.
Trong thời gian tới, nhằm giúp vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm của Hải Dương ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra khuyến nghị, Hải Dương cần chủ động ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động xúc tiến thương mại như giao thương trực tuyến, hội chợ và hội thảo trực tuyến; tăng cường hoạt động kết nối cung cầu giữa các địa phương nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Đặc biệt, đối với sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở xác định rõ các sản phẩm thế mạnh, đặc thù để tập trung phát triển, tỉnh Hải Dương sẽ đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng các thương hiệu nông sản, xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua nhiều hình thức để tiếp cận khách hàng, nhất là việc đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có hơn 9.000 ha vải thiều, trong đó huyện Thanh Hà có hơn 3.300 ha, Chí Linh có hơn 3.500 ha với tổng sản lượng khoảng 55.000 tấn. Toàn tỉnh có 45 vùng vải với tổng diện tích 450 ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP; 6.300ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay đã có 1.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và 8.000 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Riêng quả vải thiều Thanh Hà đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và được dán tem truy xuất nguồn gốc. |
Theo Congthuong