Tại hội nghị lần thứ 28 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa 19, ý kiến thảo luận của các đại biểu thẳng thắn: Tuy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh cao hơn cả nước nhưng một số lĩnh vực nguồn vốn giải ngân chậm và dự kiến không “tiêu” hết vốn phân bổ như: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, nguồn vốn đầu tư ODA, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững...
Toàn tỉnh có 18 chủ đầu tư hiện đang giải ngân chậm nguồn vốn đầu tư công, trong đó có 6 sở, ngành và 8 chủ đầu tư cấp huyện. Cần tập trung lãnh đạo, điều hành, tăng tốc trong đợt thi đua cao điểm, phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ 95% vốn kế hoạch vào 31/12 năm nay.
Trong bối cảnh thị trường đầu tư, tiêu thụ còn khó khăn, các chủ đầu tư cần chủ động, tích cực hơn trong công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện và giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư công. Đặc biệt, cần chuẩn bị các điều kiện liên quan tới thực hiện dự án như: quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng; đồng thời chuẩn bị bài bản thủ tục pháp lý để thuận lợi và nhanh chóng, rút ngắn thời gian thẩm định thủ tục, hồ sơ dự án. Trong năm 2024, tỉnh cần tổ chức ký cam kết sớm về giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho các chủ đầu tư tập trung triển khai nhiệm vụ này ngay từ đầu năm.
Cùng với xây dựng, tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, Thanh Hóa phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lãnh đạo đơn vị, phòng, ban chuyên môn trực tiếp phụ trách từng dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu thi công, các đơn vị liên quan tập trung nhân lực, nguyên vật liệu, thiết bị, bổ sung thêm các mũi thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đồng thời hoàn thành công tác nghiệm thu, lập hồ sơ, thanh toán.
Các đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đầu tư công do nguyên nhân chủ quan, cấp có thẩm quyền xem xét, điều chuyển chủ đầu tư, không giao làm chủ đầu tư các dự án khác. Các địa phương, cơ quan chức năng tiếp tục rà soát những nội dung quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng còn bất cập để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Quán triệt nhiệm vụ trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh cần tập trung tháo gỡ dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” về thể chế thuộc thẩm quyền của tỉnh, tạo chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực, trọng tâm là thủ tục đầu tư kinh doanh, giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch, giao đất, cho thuê đất, tính tiền sử dụng đất, xử lý tài sản công, tiến độ thực hiện các dự án khu, cụm công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực...; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19.
Theo Nhandan.vn