Thứ Bẩy, 23/11/2024 08:43:05 GMT+7
Lượt xem: 552

Tin đăng lúc 09-11-2022

Thanh Hóa xây dựng thêm 2 cụm công nghiệp gần 700 tỉ đồng

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 7.11, Lãnh đạo UBND tỉnh này vừa ký quyết định thành lập Cụm công nghiệp Thạch Bình, huyện Thạch Thành và Cụm công nghiệp số 2 Vạn Hà huyện Thiệu Hóa.
Thanh Hóa xây dựng thêm 2 cụm công nghiệp gần 700 tỉ đồng
Một khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: T.L

Theo đó, Cụm công nghiệp Thạch Bình, huyện Thạch Thành có diện tích sử dụng đất khoảng 68,74 ha. Vị trí, phạm vi được xác định: phía Đông Bắc giáp đất nông nghiệp, kế tiếp là đường tỉnh lộ 516; phía Đông Nam giáp kênh thoát nước kế tiếp là đê sông Bưởi khoảng 80m; phía Tây Nam giáp đất nông nghiệp và phía Tây Bắc giáp đất nông nghiệp.

 

Ngành nghề hoạt động trong cụm công nghiệp là phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng; điện tử; cơ khí; sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn; may mặc, da giày; chế biến nông, lâm sản.

 

Tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 490 tỉ đồng, chủ đầu tư là Công ty TNHH FDI Thạch Bình. Thời gian thực hiện được bắt đầu từ quý IV/2022 và đến trước ngày 1.4.2025 phải hoàn thành toàn bộ hạ tầng cụm công nghiệp…

 

Tiếp đó, theo Quyết định số 3799/QĐ-UBND vừa được phê duyệt, Cụm công nghiệp số 2 Vạn Hà huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa có diện tích sử dụng đất khoảng 23,36 ha được triển khai xây dựng trên địa bàn xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa.

 

Ranh giới được xác định cụ thể: Phía Bắc giáp hành lang đường quy hoạch và đất sản xuất nông nghiệp; phía Nam giáp hành lang đường - Cụm công nghiệp Vạn Hà, Trung tâm chế biến nông sản công nghệ cao Lam Sơn; phía Đông giáp hành lang đường quy hoạch; phía Tây giáp khu dân cư hiện trạng và đất sản xuất nông nghiệp.

 

Tổng mức đầu tư Cụm công nghiệp Vạn Hà là 189 tỉ đồng và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Lam Kinh là đơn vị thực hiện xây dựng phần hạ tầng kỹ thuật.

 

Cụm công nghiệp Vạn Hà có ngành nghề hoạt động là sản xuất hàng chăn ga, thời trang may mặc và giầy da, nội thất, điện, điện tử, cơ khí, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ (không được thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp đối với các cơ sở sản xuất, kho tàng có mức độ độc hại cấp I, cấp II theo quy định tại mục 2.5.1 của QCVN 01:2021/BXD; các dự án sản xuất giấy, bột giấy, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng)…

 

Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bắt đầu từ tháng 11.2022 và đến tháng 3.2025 hoàn thành công trình mời nghiệm thu và đưa vào sử dụng …

 

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thế Anh - Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho hay, huyện rất quyết tâm trong việc hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Vạn Hà và kỳ vọng cụm công nghiệp này sẽ tạo công ăn việc làm và thu nhập cho lao động địa phương. Cũng theo ông Nguyễn Thế Anh, hiện đã có một số doanh nghiệp tiếp cận và bày tỏ mong muốn được xây dựng cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp này. Quan điểm của địa phương là tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất kinh doanh trên cơ sở tuân thủ pháp luật và các quy định, không thu hút doanh nghiệp bằng bất cứ giá nào.

 

Tính đến cuối tháng 10.2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 39 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 1.447,39ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 10.125,4 tỉ đồng. Để phát huy hiệu quả của các cụm công nghiệp, các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đang tập trung nguồn lực, tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để các huyện, thị xã, thành phố thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển chung của tỉnh.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang