Thứ Sáu, 22/11/2024 23:16:24 GMT+7
Lượt xem: 3264

Tin đăng lúc 23-03-2017

Thanh long Việt Nam vào Myanmar không cần xin phép

Đây là một trong những kết quả quan trọng mà Bộ Công Thương đạt được sau Kỳ họp lần thứ 9 Tiểu ban hỗn hợp thương mại Việt Nam - Myanmar diễn ra mới đây tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và Thư ký thường trực Bộ Thương mại Myanmar Toe Aung Myint.
Thanh long Việt Nam vào Myanmar không cần xin phép
Ảnh minh họa

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bày tỏ vui mừng khi Myanmar đã đồng ý đưa quả thanh long của Việt Nam ra khỏi danh sách các mặt hàng cần xin giấy phép nhập khẩu vào Myanmar. Bên cạnh đó, Thư ký thường trực Bộ Thương mại Myanmar Toe Aung Myint cũng cam kết tiếp tục thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu vào Myanmar cần xin giấy phép nhập khẩu trong thời gian tới.

 

Tại Kỳ họp Tiểu ban hỗn hợp thương mại Việt Nam - Myanmar lần này, hai bên đã cùng đánh giá quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước trong thời gian qua, điểm lại những kết quả đạt được từ Kỳ họp lần thứ 8 Tiểu ban hỗn hợp năm 2015 và trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh hai nền kinh tế Việt Nam và Myanmar ngày càng gắn kết và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

 

Tính đến hết năm 2016, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Myanmar đạt 548,3 triệu USD, tăng 26,1% so với năm 2015. Theo đánh giá của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, đây là tốc độ tăng trưởng ở mức khá, tuy nhiên, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước, nếu so với con số xuất khẩu một năm của Việt Nam là hơn 170 tỷ USD.

 

Xét về kim ngạch song phương, cán cân xuất nhập khẩu giữa hai nước còn chênh lệch. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar đạt 461,9 triệu USD, tăng 22% so với năm 2015. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Myanmar sang Việt Nam chỉ đạt 86,4 triệu USD, tăng 53,8% so với năm 2015.

 

Cũng tại kỳ họp, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã đưa ra vấn đề xuất khẩu xi măng từ Việt Nam sang Myanmar.

 

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có ngành công nghiệp xi măng lớn nhất Đông Nam Á, đứng thứ năm thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Mỹ về sản lượng xi măng với 58 nhà máy xi măng, tổng sản lượng 90 triệu tấn/năm. Dự báo trong 5 năm tới, sản lượng dự kiến đạt 99 tấn/năm, vươn lên vị trí thứ ba của thế giới.

 

Trong khi đó, hàng năm, Myanmar có nhu cầu tiêu thụ khoảng 8 triệu tấn xi măng, với 50% lượng xi măng được nhập khẩu từ nước ngoài. “Đây là mặt hàng rất quan trọng mà hai nước có thể bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, thời gian qua, lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang Myanmar vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và năng lực nhu cầu của hai bên”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh.

 

Một vấn đề cũng được phía Việt Nam đưa ra thảo luận là phát huy vai trò của hành lang kinh tế Đông - Tây. Hành lang kinh tế Đông - Tây với hơn 1.400 km, đi qua 13 tỉnh của 4 quốc gia là Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quan hệ thương mại. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, thời gian qua, hai nước chưa tận dụng hết vai trò của hành lang kinh tế này và chủ yếu vẫn vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.

 

Thay mặt Bộ Công Thương Việt Nam, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã đề xuất những giải pháp: Chủ động tuyên truyền và quảng bá thông tin vị trí và vai trò của hành lang kinh tế Đông - Tây; tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng như GMS hay CLMV để huy động hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các đối tác phát triển; hai bên tiếp tục phối hợp với phía Lào để tổ chức đoàn khảo sát tuyến đường kết nối Hà Nội tới các tỉnh của Myanmar, đưa vào tuyến hành lang Đông - Tây, trên cơ sở đó, trao đổi về khả năng ký kết các văn kiện hợp tác pháp lý, tạo cơ sở mở tuyến vận tải kết nối Việt Nam và Myanmar.

 

Cùng với chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Thương mại Myanmar Than Myint vào tháng 1/2017 vừa qua, Kỳ họp lần thứ 9 Tiểu ban hỗn hợp thương mại Việt Nam - Myanmar lần này cho thấy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại nói chung và quan hệ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Myanmar nói riêng đang được quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ để tương xứng với tiềm năng to lớn của hai nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế và thịnh vượng của mỗi nước.

 

Nguồn Kinhtevn.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang