TP Hạ Long sẽ trở thành đô thị thông minh, tăng trưởng xanh, là trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, kết nối hài hoà giữa Di sản biển vịnh Hạ Long và Khu bảo tồn rừng, núi ở phía Bắc... Đây là những mục tiêu lớn trong định hướng phát triển thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040, theo bản Quy hoạch chung được công bố sáng nay (11/3).
Sau 3 năm mở rộng địa giới hành chính, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước, TP Hạ Long ngày càng khẳng định vị thế trung tâm, hạt nhân phát triển của tỉnh Quảng Ninh với đà tăng trưởng cao và ổn định, đóng góp gần 50% tổng thu nội địa của tỉnh. Đến hết năm 2022, thành phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, 4/12 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Trong mô hình tổ chức không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long được xác định là trung tâm trong Vùng động lực đại đô thị Hạ Long mở rộng (gồm Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều). Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/2/2023 có quy mô lập quy hoạch hơn 1.120km2 và diện tích mặt biển khoảng 400km2. Đến năm 2030, dân số thành phố vào khoảng 620.000 - 650.000 người; đến năm 2040 khoảng 800.000 - 830.000 người.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu là xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện; trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đồng bộ, gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.
Hạ Long được phát triển theo mô hình đô thị thông minh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc thành phố; khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế, nâng cao chất lượng đô thị, khai thác tốt hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư trên địa bàn để kết nối, mở rộng không gian phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch.
Hạ Long sẽ trở thành thành Thành phố cấp Vùng với chức năng chính: Trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm của khu vực và quốc tế, tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Bắc.
Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 là cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý phát triển, nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, hấp dẫn tạo điều kiện huy động đa dạng nguồn lực trong nước và quốc tế tham gia nhằm tạo động lực cho xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long.
Ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, để Quy hoạch có thể đi vào cuộc sống, thực sự là công cụ để các cấp chính quyền quản lý, nhân dân giám sát, là một "địa chỉ niềm tin" và căn cứ pháp lý để các nhà đầu tư đề xuất các dự án thì yếu tố quan trọng chính là yếu tố con người.
“Công tác tổ chức triển khai Quy hoạch cần phải thực hiện sớm, ngay từ cơ sở, ngay từ các cán bộ tại cấp xã phường, phòng ban và lãnh đạo của TP Hạ Long để thành phố triển khai Quy hoạch ngày một tốt hơn và theo đúng các quy định của pháp luật”, ông Huy nói./.
Theo Vov.vn