Thứ Bẩy, 23/11/2024 22:25:01 GMT+7
Lượt xem: 1311

Tin đăng lúc 05-02-2022

Thành phố Hồ Chí Minh đưa logistics thành dịch vụ mũi nhọn

UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt “Đề án phát triển ngành Logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, thành phố sẽ xây dựng 7 trung tâm logistics, với tổng diện tích hơn 620ha. Tổng nhu cầu vốn phát triển ngành Logistics giai đoạn này gần 96.000 tỷ đồng. Từ đó, đưa ngành Logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn, giúp thành phố nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối với thị trường quốc tế.
Thành phố Hồ Chí Minh đưa logistics thành dịch vụ mũi nhọn

Xây dng 7 trung tâm logistics

 

Chủ tịch Hiệp hội Logistics thành phố Hồ Chí Minh (HLA) Đặng Thị Minh Phương cho hay, thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu, là trung tâm kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 22% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và khoảng 27% tổng thu ngân sách của cả nước. Đây là đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa hàng đầu của Việt Nam với thế giới.

 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics hoạt động và phát triển chủ yếu là tự phát, rất ít có sự liên kết để tận dụng thế mạnh, cung ứng dịch vụ logistics cho cả chuỗi cung ứng khép kín. Để khắc phục điểm yếu này, Đề án phát triển ngành Logistics trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được thành phố thông qua, với trọng tâm là xây dựng 7 trung tâm logistics, sẽ sớm đưa ngành này thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố.

 

"Hiệp hội Logistics thành phố Hồ Chí Minh cũng đã được thành lập, góp phần thực hiện các mục tiêu chung của thành phố trong phát triển ngành dịch vụ quan trọng này", bà Đặng Thị Minh Phương thông tin thêm.

 

Theo Đề án phát triển ngành Logistics trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố Hồ Chí Minh xác định, thành lập hệ thống trung tâm dịch vụ logistics ở thành phố Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè. Đồng thời, căn cứ vào nhu cầu của sản xuất, lưu thông hàng hóa trong khu vực và xuất nhập khẩu, trên cơ sở rà soát nguồn quỹ đất, xác định xây dựng 7 trung tâm logistics. Cụ thể gồm: Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, Khu công nghệ cao thuộc thành phố Thủ Đức; Tân Kiên (huyện Bình Chánh); cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và huyện Củ Chi. Dự kiến, tổng diện tích của các trung tâm này hơn 620ha. Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng thêm nhiều trung tâm logistics xen cài trong các khu dân cư, bổ trợ cho thị trường thương mại điện tử hơn 12 triệu dân của thành phố Hồ Chí Minh.

 

Về lộ trình cụ thể, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, năm 2021, thành phố sẽ hoàn tất đấu thầu mời gọi đầu tư Trung tâm Logistics khu công nghệ cao. Đến năm 2023, hoàn thành chuẩn bị đầu tư Trung tâm Logistics Cát Lái và Trung tâm Logistics Linh Trung; phấn đấu hoàn thành chuẩn bị đầu tư các trung tâm logistics nhóm II vào năm 2025 và nhóm III vào năm 2030. Đến năm 2025, hoàn thành việc thiết lập bản đồ số logistics, khu dữ liệu tập trung và Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ logistics.

 

Bên cạnh đó, thành lập và phát triển 1 trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics để phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu cả nước về đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao; trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực toàn vùng, có khả năng cung cấp nhân lực cho cả nước và quốc tế.

 

Đẩy mnh chuyn đổi s

 

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, ngành Logistics hiện đóng góp gần 9% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hồ Chí Minh, tương đương khoảng 117.000 tỷ đồng và có tới 54% doanh nghiệp logistics có trụ sở tại thành phố. Nhằm tạo đột phá trong thời gian tới, thành phố xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng tất yếu, ưu tiên của ngành Logistics giai đoạn 2021-2025 với 2 nhiệm vụ chiến lược là tập trung phát triển logistics cho ngành thương mại điện tử và cung cấp chuỗi dịch vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thị trường châu Á và trung chuyển ra cảng Cái Mép - Thị Vải để đi châu Âu - Mỹ.

 

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, thành phố Hồ Chí Minh xác định đầu tư phát triển hạ tầng gồm hệ thống trung tâm logistics, hệ thống giao thông. Trong đó, hệ thống cảng biển là đầu mối vận tải quan trọng, là nơi tập trung, kết nối tất cả các phương tiện vận tải, gồm: Đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không và đường ống.

 

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện khoảng 90% lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển qua các cảng. Do đó, năng lực hệ thống cảng đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của dịch vụ logistics. Do đó, việc khai thác cảng biển cửa ngõ cho tàu trọng tải lớn tại khu vực cửa sông Cái Mép, quyết liệt thực hiện chức năng trung chuyển quốc tế sẽ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung trở thành trung tâm logistics mang tầm vóc quốc tế. Minh chứng là cụm cảng biển cửa khẩu quốc tế Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu), cụm cảng biển thành phố Hồ Chí Minh, sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai), đã và đang hình thành là những “viên gạch” đầu tiên để xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm logistics lớn của khu vực Đông Nam Á. Việc đầu tư cảng nước sâu tại khu vực này kết nối với các trung tâm logistics sẽ là cơ hội để phát triển và khẳng định vị thế của thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam trên thị trường hàng hải quốc tế, nâng tầm cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam.

 

Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Đức nhìn nhận, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của chuyển đổi số logistics. Do đó, cần quy hoạch và định hướng chuyên môn hóa theo hướng chuyên sâu hơn, phải hình thành các vùng logistics của thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cần sự kết nối khu vực giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố; quy hoạch logistics phải tương đồng với quy hoạch thương mại và công nghiệp; thúc đẩy đồng bộ các công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin để làm đòn bẩy công nghệ cho logistics. Mặt khác, cần có sự đồng bộ về hạ tầng liên quan, coi logistics là một phần phát triển trong tổng thể chuỗi cung ứng.

 

PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh cần phải sớm cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng (giao thông, bến bãi, mạng lưới kết nối dọc các hành lang…); tăng khả năng lưu thông hàng hóa với giá cả cạnh tranh bằng cách tăng cường sử dụng vận tải đa phương thức nhằm tận dụng phương thức vận tải đường thủy nội địa giá rẻ, khối lượng lớn; cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ; tập trung cải thiện năng lực các tuyến vận tải kết nối cảng biển…

 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết, thành phố tập trung 3 nhóm giải pháp then chốt. Thứ nhất, hình thành 7 trung tâm logistics; thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin, sớm thiết lập hệ sinh thái logistics, sử dụng dữ liệu dùng chung cho tất cả doanh nghiệp; cuối cùng, xác định trở thành trung tâm đào tạo, cung cấp nhân lực logistics cho khu vực phía Nam và cả nước. UBND thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% và đến năm 2030 đạt 20%. Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%.

 

Theo Hanoimoi.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang