Phát biểu tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đáng giá, thanh toán di động (mobile payment) đã đem lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính thuận tiện, với chi phí phải chăng cho hàng trăm triệu người thu nhập thấp. Sự xuất hiện của mobile payment đã giúp cộng đồng thu nhập thấp tham gia và có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
"Thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, mong muốn làm bùng nổ và phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020."- Phó Thủ tướng tin tưởng.
Giải pháp thanh toán di động tại Việt Nam đang bùng nổ
Thực tế, thanh toán qua điện thoại di động được đánh giá đang trở thành một xu hướng, kênh thanh toán mới, có tốc độ phát triển nhanh, phát huy hiệu quả, nhất là tại các nước đang phát triển có tỷ lệ người dân tiếp cận với dịch vụ ngân hàng còn thấp. Việt Nam được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng để phát triển hình thức thanh toán này.
Theo thống kê của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến nay, tại Việt Nam có trên 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh. Trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt trên 423.000 tỷ đồng (tương ứng đạt 93% và 139% so với năm 2016; đạt 153% và 316% so với năm 2015).
Một số ngân hàng thương mại đã bước đầu triển khai có hiệu quả các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại, viễn thông, truyền hình cáp, phí bảo hiểm và một số khoản thu khác.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xem xét, chấp thuận cho 25 tổ chức không phải là ngân hàng được thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có dịch vụ Ví điện tử thông qua kênh Internet và điện thoại di động...
Theo khảo sát của World Bank, tại Việt Nam có 65% người lớn gửi, nhận tiền ngoài hệ thống chính thức hoặc trả tiền học phí, tiền hóa đơn bằng tiền mặt. 6,2 triệu người lớn không tiếp cận được dịch vụ tài chính vì quá xa, 2,2 triệu người cho rằng quá đắt để sử dụng, 2,3 triệu người thấy khó khăn về mặt giấy tờ khi mở tài khoản...
Theo ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, thanh toán bằng điện thoại di động đã là dịch vụ phổ biến tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hình thức này vẫn đang trong giai đoạn sơ khai với rất nhiều tiềm năng.
Đặc biệt, theo ông Lực, “các giải pháp thanh toán di động tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ về số lượng, như: mPos, QR Pay, dịch vụ mobile banking, ví điện tử, các ứng dụng thanh toán không chạm như Samsung Pay…Tuy nhiên, các giải pháp nói trên phần lớn mới xuất hiện trên thị trường và chưa có cái tên nào phổ biến.”
Ông Lực đánh giá Việt Nam đang có nhiều cơ hội giúp thanh toán di động phát triển mạnh mẽ, khi thị trường bán lẻ (đặc biệt là thương mại điện tử) đang tăng trưởng ấn tượng, thẻ ngân hàng và smartphone ngày càng trở nên phổ biến. Đồng thời, sự tham gia của các công ty Fintech cũng làm cho thị trường thanh toán di động trở nên sôi động hơn.
Vẫn nhiều trở ngại…
Phân tích rõ hơn về tiềm năng lợi ích phát triển thanh toán di động tại Việt Nam, ông Cấn Văn Lực cho rằng, khi số thuê bao di động vượt quá dân số, thanh toán di động là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn. Phát triển tốt dịch vụ này sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
“Theo số liệu tháng 11/2016 của Statista, giá trị giao dịch thanh toán di động tại Việt Nam được dự báo ở mức 18 triệu USD vào năm 2017 và có khả năng đạt mức tăng trưởng ấn tượng hằng năm lên tới 75,4% trong giai đoạn 2017-2021”- Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS).
Hơn nữa, thanh toán di động có giá thành rẻ hơn các giải pháp truyền thống. Nó sẽ góp phần tiết kiệm chi phí chung cho xã hội, dẫn đến giảm giá thành sản phẩm dịch vụ, nhất là các dịch vụ ngân hàng. Đây cũng là một giải pháp nhằm thực hiện chính sách tài chính toàn diện - cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho người dân vùng sâu vùng xa.
Đối với người tiêu dùng, “việc sử dụng điện thoại để thanh toán thay cho các phương tiện khác sẽ tiện lợi hơn và an toàn hơn. Do nó hạn chế được việc mất cắp tiền và thông tin tài khoản cá nhân.”- ông Lực nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để phát triển thanh toán qua di động, ông Cấn Văn Lực cũng chỉ ra rằng, vẫn đối mặt thách thức. Đó là thói quen thanh toán bằng tiền mặt, sự xuất hiện của nhiều giải pháp thanh toán di động là những trở ngại cho người tiêu dùng và sự phát triển chung của thị trường, nhất là người tiêu dùng vẫn chưa có nhiều hiểu biết về các phương thức thanh toán mới và vẫn giữ thói quen chi tiêu bằng tiền mặt.
Hơn nữa, phần lớn dân số Việt Nam ở nông thôn, số lượng người không có tài khoản tại ngân hàng còn rất lớn và chưa được tiếp cận nhiều với các công nghệ thanh toán. “Việc đẩy nhanh thay đổi thói quen thanh toán cần đến chiến lược và sự phối hợp của nhiều bên như cơ quan nhà nước, các định chế tài chính, các công ty Fintech… với trọng tâm là khách hàng.”- ông Lực lưu ý.
Từ góc độ quản lý nhà nước, Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cho hay, nhiều văn bản hướng dẫn Luật, bao gồm Nghị định, Thông tư, Quyết định điều chỉnh hoạt động thanh toán điện tử nói chung và thanh toán qua điện thoại di động nói riêng đã được ban hành. Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020…
Nhưng khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử mới, hiện đại là những vấn đề mới, phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế và sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin và viễn thông.
Đồng thời, cần tăng cường bảo vệ người tiêu dùng, an ninh, an toàn mạng cũng như năng lực quản lý, giám sát nhằm tạo điều kiện cho thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam phát triển an toàn, hiệu quả.
Jack Ma: Việt Nam là một miền đất có rất nhiều cơ hội Phát biểu tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017, tỷ phú Jack Ma, Chủ tịch Alibaba, đánh giá hiện tỷ lệ dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn quá lớn. Nếu để tiền mặt trong ví sẽ dễ tạo cơ hội cho lừa đảo, tham nhũng, bị móc túi... Thay vào dùng tiền mặt, chỉ cần dùng điện thoại di động với công nghệ nhân trắc học sẽ an toàn, dễ dàng lần ra hành vi lừa đảo (nếu có) vì tất cả dữ liệu giao dịch đều được "ghi chép" lại. Tỷ lệ người sử dụng internet, điện thoại ở Việt Nam rất lớn nên Việt Nam là một miền đất có rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên, Jack Ma lưu ý, cơ hội lớn lao vẫn còn cho tất cả mọi người. Đừng cố gắng trở thành Alibaba hay AliPay. Sự khổng lồ vẫn còn triển vọng cho 30 năm tới, thời đại internet mới chỉ vừa bắt đầu mà thôi./. |
Nguồn VOV