Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2018 Ban Chỉ đạo 389 Bộ KH&CN đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp đấu tranh có hiệu quả, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), góp phần tích cực trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh chân chính, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Đơn cử như tiến tiến hành kiểm tra về đo lường tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu, LPG, vàng, trang sức, mỹ nghệ. Đối với công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa trong nhập khẩu, trong năm đã thực hiện kiểm tra nhà nước tổng số 1.373 lô xăng RON 92, RON 95, dầu Diesel 0,05%, dầu Diesel 0,25% với tổng khối lượng 9.273.820,056 tấn, không có lô hàng nào vi phạm về chất lượng hàng hóa. Kiểm tra tại 27 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối, trong đó có 06 doanh nghiệp nhập khẩu khí dầu mỏ hóa lỏng, 21 doanh nghiệp nhập khẩu XD. Kiểm tra nhanh 11 mẫu, thử nghiệm 16 mẫu, kết quả: các mẫu đều đạt qua kiểm tra nhanh và qua thử nghiệm.
Thực hiện kế hoạch kiểm tra xăng dầu của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Cục Quản lý chất lượng (Cục QLCL) đã tham gia làm việc với Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, TP.HCM và Cần Thơ. Cục QLCL đã đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố lưu ý tăng cường kiểm tra gian lận trong việc pha trộn dung môi vào xăng; đồng thời cung cấp thông tin cho Công an TP.Hồ Chí Minh, Công an Cần Thơ…. Đến nay, Công an TP.HCM và Cần Thơ đã bắt một số vụ pha chế xăng dầu kém chất lượng và xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiểm tra tại các cơ sở sản xuất pha chế xăng dầu: Chi cục QLCL miền Nam đã tiến hành kiểm tra chất lượng xăng dầu tại 03 cơ sở sản xuất, pha chế ở Cần Thơ. Qua kiểm tra có 01 cơ sở sản xuất dầu DO 0,05S-II đã thực hiện đánh giá chứng nhận hợp quy nhưng không thực hiện công bố hợp quy. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở.
Năm 2018, Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng năm 2018 trên toàn quốc trong đó có nội dung “Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu; sử dụng mã số mã vạch”. Kết quả có 50 địa phương triển khai thanh tra chuyên đề nội dung “thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu; sử dụng mã số, mã vạch. Tổng số cơ sở được thanh tra là 2.723 cơ sở (trong đó có 2.301 cơ sở kinh doanh xăng dầu, 422 cơ sở sử dụng mã số, mã vạch). Qua thanh tra đã phát hiện 149 cơ sở vi phạm (113 cơ sở kinh doanh xăng dầu, 36 cơ sở sử dụng mã số, mã vạch) và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 6,8 tỉ đồng, truy thu hơn 12 triệu đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn khó khăn như: Một số văn bản quy phạm pháp luật còn trùng lặp, chồng chéo, chưa sát thực tiễn. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp với thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn, diễn ra mọi lúc mọi nơi. Nhận thức pháp luật còn hạn chế, đặc biệt là nhân dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật vẫn còn có những hạn chế về hình thức, mới chỉ tập trung nhiều cho các hoạt động hội nghị, hội thảo quy mô còn khiêm tốn, nội dung chưa đa dạng, chưa phù hợp đối với một số nhóm đối tượng và chưa có sự lan tỏa sâu trong công chúng, doanh nghiệp.
Công tác thanh tra, kiểm tra của các lực lượng chức năng đã được tăng cường, tuy nhiên do lực lượng mỏng, kinh phí có hạn, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Thời gian tới, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp cũng như hướng dẫn đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng để dân biết, hiểu, phát hiện giúp các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; khuyến khích người dân sử dụng hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, đạt chất lượng; tẩy chay các hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, hàng giả.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Tăng cường phối hợp trong chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm.
Tăng cường nguồn lực cho lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra; phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các công chức có hành vi bao che, dung túng, bảo kê những hành vi vi phạm pháp luật.
Nguồn BCĐ389