Đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được huyện Thanh Trì triển khai từ năm 2019 theo Quyết định số 3629/QĐ-UBND ngày 08/7/2019 của thành phố Hà Nội. Để thực hiện, huyện Thanh Trì đã ban hành Quyết định số 1616/QĐ-HU ngày 31/7/2019 về kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân” của huyện Thanh Trì giai đoạn 2016 – 2020, trong đó bổ sung thêm nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP.
Từ năm 2019 đến nay, nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, huyện Thanh Trì tích cực triển khai công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, xúc tiến thương mại... Cụ thể, UBND huyện đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2019 – 2020 để phổ biến Chương trình, giao nhiệm vụ cho các phòng ban, đơn vị của huyện đồng thời động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, trang trại, các hộ sản xuất rà soát, nâng cấp chất lượng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng. Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của huyện, xã về Chương trình OCOP để nhân biết và thực hiện. Tổ chức lồng ghép tuyên truyền Chương trình OCOP tại Hội nghị tập huấn nông thôn mới…; in, phát tờ rơi giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP...; Tổ chức tập huấn cho hàng trăm lượt đại biểu ở các phòng ban, các xã, doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất. Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại như Hội chợ xuân, không gian trưng bày, điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, phối hợp với Sở Công Thương tỏ chức sự kiện kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm làng nghề,…
Hình ảnh đồ đồng mỹ nghệ - Cơ sở đúc đồng mỹ nghệ Trường Tâm
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của huyện cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính quyền, sự đồng thuận, quyết tâm thực hiện của nhân dân, đến nay, huyện Thanh Trì có 58 sản phẩm được chứng nhận OCOP, bao gồm 34 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 21 sản phẩm đạt 3 sao thuộc các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, mỹ nghệ. Chương trình OCOP đã tạo ra sân chơi bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng; khai thác, duy trì, phát huy được tiềm năng sản xuất của các làng nghề cũng như tiềm năng sản xuất của các địa phương, góp phần tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tạo chuyển biến quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh
Ghi nhận thực tế, nhờ tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể đã có thay đổi tích cực trọng hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ ý thức, tư duy đến đầu tư nhà xưởng, máy móc, đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tiếp thị, kinh doanh,…
Sản phẩm Nấm đông trùng hạ thảo khô Vạn An
Như trường hợp của Công ty Cổ phần Nghiên cứu Chế biến Nông sản, thực phẩm công nghệ cao Vạn An - đơn vị có 05 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP 4 sao (Đông trùng hạ thảo khô, Rượu Đông trùng hạ thảo, Cao Ngựa bạch,..). Để hoàn thiện hồ sơ tham gia Chương trình OCOP, Công ty đã đầu tư xây dựng, cải tạo nhà xưởng, mua thêm máy móc hiện đại, nâng cấp nhà xưởng đạt ISO 22000, đảm bảo sản phẩm được sản xuất trong môi trường sạch, an toàn, cho chất lượng tốt,…
Trao đổi với đại diện Công ty Cổ phần Nghiên cứu Chế biến Nông sản, thực phẩm công nghệ cao Vạn An, được biết, Công ty đã đặt quyết tâm rất cao để sản phẩm được các cấp chính quyền cấp chứng nhận sản phẩm OCOP. Chứng nhận OCOP giúp Công ty khẳng định uy tín chất lượng của sản phẩm, sản xuất, kinh doanh vững vàng hơn.
Chị Tâm - Chủ Cơ sở đúc đồng mỹ nghệ Trường Tâm
Đồng quan điểm, chị Tâm - Chủ Cơ sở đúc đồng Mỹ nghệ Trường Tâm, thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng chia sẻ: Huyện Thanh Trì rất quan tâm đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở trước, trong, sau khi tham gia và đạt chứng nhận OCOP. Là chủ thể OCOP, chúng tôi ý thức sâu sắc vai trò, vị trí của Chương trình OCOP. Vì thế, chúng tôi luôn phải đảm bảo sản phẩm được làm thủ công bằng chất liệu bằng đồng tốt nhất, có độ tinh xảo cao, khác biệt với các sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ khác trên thị trường.
Bên cạnh đó, Chương trình OCOP đã góp phần nâng tầm sản phẩm làng nghề, giúp sản phẩm làng nghề có thêm năng lực cạnh tranh để mở rộng thị trường như trường hợp của HTX Rượu làng Ngâu. Rượu làng Ngâu còn có tên gọi khác là Rượu hoa cúc làng Ngâu là mỹ tửu tiến vua xưa. Để nâng cao năng lực sản xuất, phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, HTX đã đầu tư hàng tỷ đồng xây lắp hệ thống trang thiết bị, máy móc. Quy trình sản xuất rượu thực hiện theo phương thức truyền thống nhưng có áp dụng tiến bộ kỹ thuật giúp tạo ra sản phẩm có chất lượng và bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm. Năm 2020, HTX có hai sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Qua các chương trình xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP 4 sao rượu làng Ngâu được rất nhiều khách hàng quan tâm và đánh giá cao cả về mẫu mã và chất lượng.
Rượu hoa Cúc làng Ngâu - Mỹ tửu tiến vua
Như vậy có thể thấy, Chương trình OCOP huyện Thanh Trì đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Chương trình OCOP huyện Thanh Trì đã góp phần vào thành công chung của Chương trình OCOP Thủ đô. Những sản phẩm OCOP của huyện đã khẳng định được thương hiệu và là cơ sở để huyện Thanh Trì phấn đấu đến năm 2025 có thêm từ 30 – 50 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên.
MNK
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội