Thứ Sáu, 22/11/2024 17:31:38 GMT+7
Lượt xem: 4083

Tin đăng lúc 13-01-2016

Thật, giả bình cứu hỏa mini

Từ ngày 6/1/2016, theo Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an, ôtô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy. Và thế là các chủ phương tiện đua nhau “sắm” bình cứu hỏa mini cho “xế cưng”. Kéo theo đó, thị trường lại được phen dậy sóng với hàng lậu.
Thật, giả bình cứu hỏa mini
Ảnh minh họa

Mới đây, cơ quan chức năng thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) vừa thu giữ hơn 300 bình cứu hỏa mini dành cho ôtô được nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam. Trước đó không lâu, tại Hà Nội, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện hàng trăm bình cứu hỏa kèm tem nhãn giả tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển Ngọc Linh... Đó chỉ là số ít bình cứu hỏa mini nhập lậu vào Việt Nam bị thu giữ.

 

Đáp ứng nhu cầu đột ngột cao của khách hàng, thị trường bình cứu hỏa những ngày gần đây trở nên đặc biệt sôi động, không chỉ tại các cửa hàng, đại lý mà thậm chí trên internet, không khí giao dịch cũng “tưng bừng” không kém.

 

Hàng loạt địa chỉ rao bán bình cứu hỏa mới mọc lên. Hàng ngàn sản phẩm đủ mọi chủng loại xuất xứ từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nga, Italia, Trung Quốc, Đức… sẵn sàng phục vụ các chủ “xế”.

 

Giá cả bình cứu hỏa mini cũng không kém phần phong phú, từ 100.000 đồng đến vài triệu đồng một bình. Chỉ có điều, cái có tem kiểm định, cái không. “Không quan trọng, miễn có là được”- đó là câu trả lời của nhiều lái xe trên một số diễn đàn. Tâm lý “chạy” Thông tư và sính ngoại cùng mức lãi chênh lệch “vô đối” giữa hàng Trung Quốc và hàng Italia, Đức đã “châm ngòi” cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái “bùng nổ” tại thị trường Việt Nam.

 

Tuy nhiên, “tại anh tại ả, tại cả đôi bên”, không thể đổ lỗi riêng cho người tiêu dùng bởi Thông tư 57 được thực thi có phần vội vàng trong khi nguồn cung sản phẩm đạt chất lượng cao, xuất xứ rõ ràng chưa đáp ứng nhu cầu. Có người cho rằng, theo quy luật cung cầu, thị trường sẽ tự điều tiết. Nhưng trước khi đến ngày đó, không biết bao người đang ngày ngày chở trong xe mình bình cứu hỏa giả. Mà như cách ví von của nhiều lái xe, nó sẽ thành “quả bom nhỏ” dưới tiết trời nắng nóng của xứ nhiệt đới như Việt Nam.

 

Còn nhớ, nhiều năm trước, khi quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe gắn máy được thực hiện, mũ bảo hiểm trở thành một trong những mặt hàng dễ làm giả và bán phổ biến nhất trên thị trường. Câu chuyện mũ bảo hiểm thật- giả, chất lượng cao- thấp đến nay vẫn chưa đến hồi kết và dường như đang lặp lại với những chiếc bình cứu hỏa trên xe ôtô? 

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang