Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, tới đây Chính phủ sẽ có chỉ đạo chính thức về lộ trình thay thế xăng khoáng A92 (RON92) bằng xăng sinh học E5. Tuy nhiên để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình, Bộ đã họp bàn và chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai từ bây giờ.
"Bộ đã triển khai hai doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ nhiều vốn nhất, gồm PV Oil và Petrolimex để kịp tiến độ đặt ra”, ông Vượng nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ Công Thương đã đưa phương án triển khai thí điểm thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng E5 tại TP.HCM và Hà Nội từ ngày 1/7/2017 trước khi mở rộng ra cả nước, thay thế hoàn toàn xăng A92 vào đầu năm 2018.
Tuy nhiên, theo ông Vượng, sau khi tính toán và trao đổi với doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã “chốt” phương án triển khai đồng loạt trong cả nước từ ngày 1/1/2018.
Theo Bộ Công Thương, giá xăng E5 hiện ở mức thấp hơn xăng A92, mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 cũng thấp hơn so với xăng A92. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời.
Về lâu dài, Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét xây dựng thuế bảo vệ môi trường ở mức hợp lý cho mặt hàng xăng E5 và tạo chênh lệch giá xăng E5 thấp hơn xăng khoáng RON 92 đủ lớn.
Đặc biệt, nguồn nguyên liệu sản xuất ethanol cần có năng suất, sản lượng cao, giá bán hợp lý, tạo điều kiện cho giá xăng E5 được giảm thấp hơn.
Theo khảo sát của PV, sau hơn một năm bán đại trà xăng E5 trên toàn quốc (từ ngày 31/11/2015) theo lộ trình của Chính phủ, kết quả rất hạn chế.
Tại một số cửa hàng kinh doanh xăng E5 trên một số tuyến phố ở Hà Nội, lượng khách hàng lựa chọn sử dụng xăng E5 khá thưa thớt. Phần lớn trong số đó chủ động đổ xăng truyền thống, số còn lại đổ theo quán tính, dừng ở cột xăng nào thì mua ở đó.
Thậm chí ngay cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu cũng không mặn mà bán xăng E5. Theo lời một số chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu cho rằng, xăng E5 dù là tốt cho vấn đề bảo vệ môi trường nhưng là mặt hàng mới, cho nên lượng khách hàng sử dụng chưa nhiều. Muốn kinh doanh được, phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ, sử dụng.
Mặt khác, với những cơ chế, chính sách dành cho mặt hàng này như hiện nay, sẽ rất khó thu hút đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Tương tự, đại diện của một tổng công ty chuyên kinh doanh xăng dầu cho biết, công ty từng triển khai bán xăng E5 tại 50% số cửa hàng trực thuộc nhưng đến nay đành phải chuyển về bán xăng RON 92 do không hiệu quả, nguồn cung lại thiếu ổn định.
Từ khó khăn trên, doanh nghiệp kiến nghị cần tuyên truyền phổ biến công dụng và lợi ích của xăng E5 đối với môi trường, động cơ và hiệu quả kinh tế trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài nhằm định hướng cho người tiêu dùng trong việc sử dụng các sản phẩm xăng.
Đồng thời các cơ quan chức năng cần ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ thỏa đáng đối với các cửa hàng địa lý kinh doanh xăng dầu tiếp nhận và phân phối xăng E5 như: chính sách hoán cải bồn bể, chính sách hỗ trợ đầu tư và chính sách hoa hồng...
Theo ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, hiện, lượng xăng E5 bán ra chỉ chiếm 30% so với xăng truyền thống. Trong khi đó, do tuyên truyền chưa phát huy hiệu quả, mức chênh lệch giữa xăng E5 với Ron 92 thấp khiến người tiêu dùng không mặn mà sử dụng xăng E5. Do đó, việc đầu tiên phải nới rộng khoảng cách chênh lệch lên 500 đến 1.000 đồng/lít.
Đồng thời, phải quy hoạch lại vùng nguyên phụ liệu, tạo sức cạnh tranh và xây dựng được chính sách hỗ trợ hợp lý, DN kinh doanh phải có lãi thì mới đầu tư, kinh doanh được. Thậm chí, Chính phủ nên khuyến khích các Tập đoàn lớn nhập cuộc kinh doanh xăng E5 với lợi ích bảo vệ môi trường,...
Nguồn Doanhnghiepvn