Thay vì đưa thẻ cho người bán quẹt thẻ trên máy POS thì người tiêu dùng có thể chủ động cầm thẻ chạm hoặc vẫy nhẹ trên máy POS là hoàn tất thanh toán, thậm chí không cần phải ký đối với các giao dịch giá trị từ 1 triệu trở xuống.
Ứng dụng phổ biến trên thế giới
Công nghệ không tiếp xúc đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, chủ yếu là đối với các phương tiện công cộng, mà đi đầu là thành phố London (Anh). Nhờ công nghệ này, người đi tàu hoặc xe buýt chỉ cần chạm nhẹ vào máy thanh toán trên xe hoặc cửa là trả tiền xong, giúp tiết kiệm thời gian. Tiếp đó, nhiều nước phát triển khác cũng đã hoàn tất việc ứng dụng công nghệ này trên toàn hệ thống phương tiện giao thông công cộng.
Theo khảo sát toàn cầu của tổ chức thẻ Visa vào cuối năm 2018 cho thấy bên ngoài thị trường Mỹ, có đến 40% giao dịch thẻ Visa tại các điểm bán hàng được thực hiện qua công nghệ không tiếp xúc. Cụ thể, tại Canada, tỷ lệ này là 70% cho giao dịch có giá trị dưới 40 USD, ở Costa Rica là 80%, còn Ba Lan đang chạy đua để trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% công nghệ không tiếp xúc. Tỷ lệ tăng trưởng công nghệ này tại Nga là 200% hàng năm, và có đến 4 triệu giao dịch hàng tháng tại Malaysia được thực hiện qua hình thức không tiếp xúc.
Cũng theo Visa, hơn 100 triệu thẻ không tiếp xúc đã được Visa phát hành tại thị trường Mỹ trong năm 2019, gần 92% các quầy thuốc và 81% nhà hàng ăn nhanh tại Mỹ đã chấp nhận hình thức thanh toán không tiếp xúc.
Gần đây, trước bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và những lo ngại về lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến nghị sử dụng thanh toán contactless hoặc sử dụng các ứng dụng tài chính trên điện thoại thông minh.
Đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam
Theo giới chuyên gia, xu hướng phát triển hình thức thanh toán không tiếp xúc hoàn toàn phù hợp với chủ trương xây dựng xã hội không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 07/07/2017, thẻ contactless chuẩn EMV đầu tiên ra đời tại Việt Nam là thẻ do Sacombank hợp tác với tổ chức thẻ Visa và Mastercard phát hành, gồm 2 loại thẻ là thẻ tín dụng và thẻ thanh toán.
Trong khảo sát về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện vào năm 2019, có 37% người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc và thú vị là có đến 42% người tiêu dùng thực hiện thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động. Đối với nhóm sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc, có 85% người thanh toán một lần một tuần hoặc nhiều hơn. Khảo sát cũng cho thấy tiềm năng lớn để các công nghệ mới khởi sắc, với bốn trên năm người tiêu dùng chưa từng sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc có quan tâm đến việc sử dụng phương thức thanh toán này.
Đến nay ở nước ta, thanh toán chạm đang được triển khai tại một số hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thức ăn nhanh, rạp chiếu phim… Ngoài ra, còn được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, y tế… Đó là thẻ học đường SSC đã được triển khai ở một số trường học là kết hợp giữa thẻ ngân hàng với thẻ thư viện, thẻ điểm danh của học sinh; thẻ bệnh nhân đang được thí điểm tại một số bệnh viện tại TP.HCM và Phú Thọ; thẻ dân cư ra vào chung cư kết hợp với thẻ giữ xe cũng đã được triển khai tại một số chung cư. Và sắp tới đây, thẻ thanh toán thông minh cho dịch vụ giao thông công cộng tại TP.HCM sẽ được áp dụng khi tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đi vào hoạt động trong năm 2021. Trong các dự án này, Sacombank đều là một trong những ngân hàng tiên phong tham gia phát hành và phát triển các tính năng của thẻ.
Chị Đặng Nhật Thanh (Quận 3, TP.HCM) đã có gần 2 năm sử dụng thẻ tín dụng có chức năng thanh toán không tiếp xúc cho biết: “Chiếc thẻ này rất tiện lợi và nhanh chóng. Tôi thường thanh toán chạm khi đi siêu thị hoặc mua đồ ở những cửa hàng tiện lợi, giúp tiết kiệm được khá nhiều thời gian đếm tiền, đưa thẻ qua lại, ký hóa đơn. Nhất là đợt dịch bệnh vừa rồi, không phải đưa thẻ cho nhân viên bán hàng giúp tôi phần nào phòng tránh được dịch bệnh”.
Để góp phần phổ biến thanh toán contactless, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định mới nhằm định hình hoạt động của loại hình thanh toán này, các ngân hàng thương mại cũng đang khẩn trương hoàn tất lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip cùng với việc tăng cường bảo mật để đảm bảo an toàn cho khách hàng, đồng thời trang bị máy POS tương thích với thẻ contactless cho các đại lý.
Theo Visa, hiện số lượng máy POS chấp nhận contactless tại Việt Nam là khoảng 125.000 máy, số lượng thẻ Visa có contactless đã lên đến 3,4 triệu thẻ và đang có 28 ngân hàng phát hành thẻ contactless. Doanh số giao dịch thanh toán không tiếp xúc của các ngân hàng đang có xu hướng tăng trưởng tích cực, cho thấy người tiêu dùng có sự quan tâm và lựa chọn phương thức thanh toán này.
Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho biết: “Sacombank Contactless là công nghệ máy POS và thẻ không tiếp xúc hiện đại, cho phép chủ thẻ đơn giản hóa quá trình thanh toán chỉ bằng thao tác chạm hoặc vẫy nhẹ thẻ trước màn hình máy POS. Điểm nhấn của công nghệ này, do không dùng thẻ tiếp xúc trực tiếp vào thiết bị thanh toán và chủ thẻ vẫn giữ thẻ khi thanh toán nên thông tin được bảo mật tối đa”.
Hiện Sacombank đã triển khai công nghệ này cho tất cả thẻ Sacombank Visa, Mastercard, JCB, Napas và đang lưu hành hơn 1 triệu thẻ contactless. Liên tục 2 năm 2018 và 2019 vừa qua, Visa ghi nhận Sacombank là ngân hàng dẫn đầu về tổng doanh số giao dịch thanh toán không tiếp xúc và tỷ lệ thiết bị chấp nhận thẻ không tiếp xúc hoạt động cao nhất, còn Mastercard ghi nhận Sacombank dẫn đầu mạng lưới chấp nhận công nghệ thanh toán không tiếp xúc.
Ông Tâm cho biết thêm, trong những năm tiếp theo, Sacombank sẽ tiếp tục không tiếp xúc hóa các hình thức giao dịch bên cạnh thẻ contactless. Cụ thể, dự kiến vào quý IV/2020, ngân hàng sẽ hợp tác với Visa để triển khai dịch vụ HCE, dùng điện thoại chạm vào máy POS để thanh toán, sau đó sẽ mở rộng cho các loại thẻ khác. Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ triển khai dịch vụ Tap to Phone để các đơn vị chấp nhận thẻ sử dụng điện thoại như 1 máy POS và khách hàng dùng thẻ contactless thanh toán bằng cách chạm vào điện thoại.
Theo Vietnamnet