Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Với quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và các nền kinh tế thành viên, APEC có thể vươn cao hơn và đi xa hơn nữa, đem lại sự phồn vinh lớn hơn cho người dân trong khu vực, khẳng định thế kỷ 21 là “Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương” như dự báo.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, là cộng đồng doanh nghiệp có khả năng thích ứng tốt nhất, cộng đồng doanh nghiệp APEC chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển thịnh vượng trong giai đoạn mới đầy biến động này và bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp APEC tiếp tục đồng hành, chung sức tạo động lực mới cho tăng trưởng và liên kết khu vực, để tương lai của thế giới trong thế kỷ 21 thực sự được khởi nguồn từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Những kỳ vọng lớn lao
Theo kết quả cuộc Khảo sát Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC năm 2017 do Tập đoàn PricewaterhouseCoopers (PwC) tiến hành với hơn 1.400 nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong từng nền kinh tế của 21 nền kinh tế APEC trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) tại Việt Nam.
Theo đó, có tới 63% CEO trong khu vực APEC kỳ vọng có thể mở rộng quy mô hoạt động toàn cầu trong ba năm tới dù vẫn quan ngại về những hạn chế tiềm ẩn đối với việc di chuyển lao động và lưu chuyển hàng hoá.
Điều này thể hiện ở mức độ lạc quan về tăng trưởng doanh thu của các lãnh đạo doanh nghiệp trong 21 nền kinh tế của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đang ở mức cao nhất trong ba năm qua.
37% CEO trong khu vực APEC rất lạc quan về tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới, tăng từ 28% năm 2016 bất chấp những biến động về chính sách thương mại và căng thẳng chính trị ở nhiều nền kinh tế trong khu vực APEC.
50% doanh nghiệp mà PwC khảo sát sẽ tăng các khoản đầu tư toàn cầu (bao gồm cả các nước ngoài khu vực APEC) trong năm 2018. Tỷ lệ này cao hơn mức 43% năm ngoái vì các doanh nghiệp APEC đang tìm cách nâng cao vị thế và ảnh hưởng của mình trên nền kinh tế toàn cầu.
71% các doanh nhân dự định tăng đầu tư sẽ phân bổ các khoản tăng này vào các nền kinh tế APEC vào năm 2018, và 63% tổng số các CEO của khu vực APEC mong muốn mở rộng quy mô hoạt động toàn cầu trong ba năm tới.
Theo khảo sát, những nền kinh tế thu hút đầu tư nội địa lớn nhất sẽ là Việt Nam, Nga, Philippines, Indonesia và Malaysia. Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Mỹ và Thái Lan là những điểm đến hàng đầu của các lãnh đạo doanh nghiệp APEC khi đầu tư ra nước ngoài. 89% CEO của Malaysia và 86% CEO của Việt Nam mong muốn mở rộng toàn cầu.
Ông Bob Moritz, Chủ tịch Toàn cầu của PwC nhận định: "Sự tự tin của các lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy họ không chờ đợi môi trường kinh doanh ổn định hơn mới thúc đẩy kế hoạch đầu tư. Trong ngắn hạn thì điều này sẽ thúc đẩy APEC nâng cao ảnh hưởng toàn cầu và đẩy mạnh các thương vụ, khi mà có tới 71% các CEO mong muốn trông cậy nhiều hơn vào các mối quan hệ đối tác kinh doanh/ liên doanh trong tương lai".
Cùng chung quan điểm này, Giám đốc điều hành, thành viên Hội đồng quản trị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Philipp Rösler cho rằng, hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC đều đang đi đúng hướng và toàn bộ khu vực sẽ hội nhập thành công. Theo ông Philipp Rösler, dù còn nhiều thách thức nhưng APEC sẽ sớm đạt được tự do thương mại, mở cửa thị trường và cạnh tranh công bằng. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nền kinh tế thành viên APEC.
Thách thức cũng rất nhiều
Dù rất lạc quan về tương lai của APEC, trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nêu lên một số thách thức lớn mà các nền kinh tế thành viên APEC sẽ phải đối mặt. Theo đó, dù cuộc cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đã diễn ra hơn 10 năm, sự phục hồi kinh tế đến nay có vững chắc hơn, song vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn trong trung hạn và dài hạn.
Ngoài ra, trong tiến trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lợi ích của tăng trưởng và phát triển công nghệ chưa lan tỏa đồng đều. Khu vực APEC vẫn còn hàng trăm triệu người sống trong đói nghèo, chịu những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, thiên tai. Điều này khiến các nền kinh tế thành viên APEC phải hết sức nỗ lực để có thể đương đầu và vượt qua những thách chức đã nêu.
Chia sẻ quan điểm trong bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Sridharan Nair, Lãnh đạo Cấp cao Khu vực, PwC Malaysia/Việt Nam cảnh báo, Tự động hóa không còn là công nghệ của tương lai nữa mà đã trở thành thực tại. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải đào tạo lại lực lượng lao động và giúp họ có thể nắm bắt được các kỹ năng quan trọng phục vụ công nghệ tự động.
Tuy nhiên, theo ông Sridharan Nair, các CEO APEC đã sớm nhận ra vấn đề này và đã có sự thay đổi lớn về nhận thức trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghệ tự động hóa. Trước đây, các doanh nghiệp cho rằng họ không cần quan tâm đến vấn đề này vì đây là công việc của Chính phủ, của các cơ sở đào tạo và trường đại học.
Tuy nhiên, đến thời điểm này các CEO APEC đều bày tỏ mong muốn sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc đào tạo nguồn nhân lực và thậm chí sẵn sàng đầu tư lớn cho các cơ sở đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu khắt khe của họ./.
Nguồn VOV