Trong đó có việc cho vay theo mùa vụ hỗ trợ kinh doanh, cấp vốn thông qua dư nợ tạo điều kiện cho DN có thể mặc cả trực tiếp lãi suất cho vay với ngân hàng…
Cấp vốn thông qua mức dư nợ
Theo Thông tư 39/NHNN, các TCTD có thể cam kết cấp vốn cho khách hàng thông qua việc duy trì một mức dư nợ cho vay tối đa trong một khoảng thời gian nhất định (cho vay theo hạn mức), đảm bảo sẵn sàng cho khách hàng DN vay vốn trong phạm vi mức cho vay dự phòng đã thỏa thuận (cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng) hoặc chấp thuận cho khách hàng chi vượt số tiền có trên tài khoản thanh toán của khách hàng một mức thấu chi tối đa để thực hiện dịch vụ thanh toán trên tài khoản thanh toán (cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán).
Thông tư 39 cũng giới hạn thời hạn hiệu lực tối đa của hạn mức cho vay dự phòng và thời hạn tối đa duy trì hạn mức thấu chi là một năm. Theo phản ánh của nhiều DN, với phương thức cho vay theo hạn mức, tuy không khống chế thời hạn duy trì hạn mức, song đặt ra yêu cầu một năm ít nhất một lần, TCTD xem xét xác định lại mức dư nợ cho vay tối đa và thời gian duy trì mức dư nợ này. Về phương thức cho vay theo hạn mức, thông tư này qui định trong trường hợp cho vay từng lần, “mỗi lần cho vay, ngân hàng và DN thực hiện thủ tục cho vay và ký kết thỏa thuận cho vay”.
Rất nhiều DN băn khoăn, mỗi lần giải ngân một số tiền trong phạm vi của hạn mức cho vay, TCTD và DN có nhất thiết phải thực hiện lại thủ tục vay vốn và xác lập một hợp đồng vay cụ thể hay không? Nếu đây là yêu cầu bắt buộc thì hợp đồng cho vay theo hạn mức lại chỉ mang tính chất của một thỏa thuận khung và cho vay theo phương thức này sẽ tốn thêm thời gian và chi phí cho cả ngân hàng lẫn DN.
Ba phương thức cho vay mới
Ông Nguyễn Văn Hương-Giám đốc Cty XNK Hải Hà cho biết, Thông tư 39/NHNN cho vay lưu vụ, cho vay quay vòng và cho vay tuần hoàn là ba phương thức cho vay dựa trên chu kỳ sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay.
Ba phương thức này được chia như sau: Phương thức cho vay lưu vụ được áp dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, hai phương thức cho vay còn lại được sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Việc các TCTD thực hiện cho vay đối với khách hàng để nuôi trồng, chăm sóc các cây trồng, vật nuôi có tính chất mùa vụ theo chu kỳ sản xuất liền kề trong năm hoặc các cây lưu gốc, cây công nghiệp có thu hoạch hàng năm, theo ông Hương, các ngân hàng và DN có quyền thỏa thuận dư nợ gốc của chu kỳ trước tiếp tục được sử dụng cho chu kỳ sản xuất tiếp theo, nhưng không vượt quá thời gian của 02 chu kỳ sản xuất liên tiếp. Như vậy, các ngân hàng và DN có thể mặc cả các thoả thuận thời hạn cho vay tối đa tương ứng với thời gian của hai chu kỳ sản xuất liên tiếp và DN vay có thể sử dụng lại dư nợ gốc đã vay trong kỳ hạn trả nợ tiếp theo.
Đối với phương thức cho vay quay vòng, ngân hàng và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho vay đối với nhu cầu vốn có chu kỳ hoạt động kinh doanh không quá một tháng và khách hàng được sử dụng dư nợ gốc của chu kỳ hoạt động kinh doanh trước cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo nhưng thời hạn cho vay không vượt quá ba tháng. Như vậy, về nguyên tắc, vào cuối mỗi kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận, bên vay có thể trả nợ gốc và tiền lãi vay và chuyển nợ gốc sang kỳ hạn trả nợ tiếp theo, hoặc chuyển cả nợ gốc và tiền lãi vay sang kỳ hạn trả nợ tiếp theo.
Theo các chuyên gia, phương thức cho vay tuần hoàn là phương thức cho vay ngắn hạn cho phép khách hàng khi đến thời hạn trả nợ, có thể trả nợ hoặc kéo dài thời hạn trả nợ thêm một khoảng thời gian nhất định đối với một phần hoặc toàn bộ số dư nợ gốc của khoản vay với điều kiện.
Như vậy, tổng thời hạn vay vốn không vượt quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân ban đầu và không vượt quá một chu kỳ hoạt động kinh doanh. Đồng thời kèm thêm điều kiện tại thời điểm xem xét cho vay, khách hàng không có nợ xấu tại các TCTD và trong quá trình cho vay tuần hoàn, nếu DN có nợ xấu tại các TCTD thì không được thực hiện kéo dài thời hạn trả nợ theo thỏa thuận…
Nguồn Enternews.vn