Trong tiết trời se lạnh lất phất mưa xuân còn sót lại của những ngày cuối tháng giêng, dòng người náo nức, hân hoan đổ về dự Lễ hội. Những con đường trong thôn An Hòa rộn rã đầy ắp tiếng cười nói của người dân và du khách. Vinh dự, tự hào quê hương Tuy Phước có thêm được một Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia sau Tu viện Làng sông - nơi lưu giữ chứng tích cội nguồn chữ quốc ngữ được in ra đầu tiên ở đây.
Một thoáng lịch sử
Từ những năm đầu của thế kỷ XVII, khi Cảng thị Nước Mặn, thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước ngày nay - người Việt đã đến Nước Mặn, sống cộng cư với người Champa bản địa đã lâu. Khoảng năm 1610, người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến di cư đến đây lập nghiệp gọi là dân Minh Hương. Khi đó, khu vực thôn An Hòa ngày nay là nơi tọa lạc Cảng thị Nước Mặn nổi tiếng sầm uất. Nhiều con phố buôn bán phục vụ cư dân nghề biển địa phương dần xuất hiện, cùng với các hình thức tín ngưỡng, người Hoa đã lập thêm chùa Ông (Quan Thánh đế miếu) và Chùa Bà (Thiên Hậu miếu) để thờ cúng. Chùa Bà là nơi thờ Thiên hậu Thánh mẫu - một nhân vật huyền thoại, thường cứu vớt tàu thuyền gặp nạn.
Theo dòng chảy thời gian, khi đã an cư, lạc nghiệp, làm ăn phát đạt, phố cảng Nước Mặn cũng trở nên sầm uất, một số thương nhân đã đóng góp tiền của, tu bổ miếu thêm khang trang và to đẹp hơn. Từ đó, tên gọi “Chùa Bà” ra đời và được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2010.
Ông Huỳnh Nam - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước phát biểu đáp từ tại buổi lễ
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn trở thành một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời sớm ở Bình Định. Hàng năm, lễ hội được tổ chức trong ba ngày, từ ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch đến mùng 2 tháng Hai âm lịch. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ, tín ngưỡng mang tính đặc trưng của vùng cảng thị xưa, như: Lễ tế các vị thần linh đã phù hộ cho người đi biển, buôn bán, che chở đời sống tinh thần, vật chất của người dân, bảo hộ việc sinh sản mẹ tròn con vuông; lễ rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục với những hình tượng, như: Người đốn cây, khai phá rừng ngập mặn; nông dân vỡ ruộng đắp bờ; ngư dân bủa lưới đánh cá; người chăn nuôi gia súc…, nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng đầm lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất. Ngoài ra, phần hội với nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Nơi giao thoa giữa văn hóa tín ngưỡng: Điểm nhấn của du lịch Bình Định
Tại Chùa Bà, các vị thần trong tín ngưỡng Việt - Hoa được thờ chung trong cùng một ngôi chùa nói lên tinh thần dung hợp văn hóa - tín ngưỡng của cộng đồng dân cư địa phương, biểu thị tinh thần đoàn kết. Điều đó chứng tỏ xu hướng chủ đạo của văn hóa Việt và xu hướng này tạo ra bản sắc Việt trong sinh hoạt tín ngưỡng - lễ hội của cộng đồng.
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn tồn tại đến hôm nay như một biểu hiện văn hóa địa phương, được tổ chức hằng năm vào các ngày mùng 1, 2 và 3/2 Âm lịch, mang đậm bản sắc văn hóa bản địa; thu hút người dân không những trong huyện, trong tỉnh, mà còn ở các tỉnh khác đến tham dự.
Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng Ban Quản lý di tích Chùa Bà cho biết: hơn một tháng nay, Ban đã khẩn trương triển khai nhiều phần việc như chuẩn bị các đoàn rước biểu trưng và rước sắc từ Chùa Ông và các miếu bà Mụ, ông Cọp, bà Hỏa; bố trí các đoàn múa lân, võ thuật biểu diễn phục vụ; chuẩn bị 200 đèn lồng trang trí khuôn viên chùa vào ban đêm và treo cờ hội trên đường từ cầu Ngói đến chùa; một lượng lớn thực phẩm, nước uống đã được chuẩn bị sẵn phục vụ bà con trong những ngày hội.
Việc UBND tỉnh Bình Đinh UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2010, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho di tích Chùa Bà – Cảng Thị Nước mặn hôm nay làm nức lòng người dân Tuy Phước – Bình Định. Thỏa lòng mong chờ của thiện nam, tín nữ trong và ngoài tỉnh. Chắc chắn Di tích Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn sẽ là điểm nhấn độc đáo cho ngành Du lịch, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch của Bình Định và cả nước.
Văn Thuận