Ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), cho biết năm 2018, thị trường khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên. Chỉ có các đơn vị sản xuất thép cán dài là hoàn thành kế hoạch năm và có tăng trưởng, các đơn vị còn lại có sản lượng thấp, không đạt kế hoạch đề ra và hầu hết giảm so cùng kỳ.
Bán rẻ vẫn ế
Cụ thể, phôi thép sản xuất 2.665.100 tấn, đạt 107% kế hoạch và tăng 15% so cùng kỳ; tiêu thụ 776.500 tấn, đạt 98% kế hoạch và tăng 4% so cùng kỳ. Trong những tháng đầu năm 2018, các đơn vị đều đẩy mạnh tối đa công suất luyện phôi, đặc biệt là các đơn vị có luyện và cán thép nhằm đáp ứng nhu cầu cán thép và gia tăng bán ngoài.
Tuy nhiên, từ giữa quý III, Formosa bắt đầu cung cấp phôi thép, ảnh hưởng rất lớn cả về cung và giá khiến thị trường phôi hạ nhiệt và liên tục giảm, dẫn tới việc tiêu thụ phôi đối với các nhà máy chuyên luyện trở nên khó khăn. Các đơn vị không chỉ phải giảm sản lượng mà hiệu quả kinh doanh cũng giảm.
Về sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng hoàn thành trên 101% kế hoạch đề ra, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ. Khối công ty liên kết có sản lượng tiêu thụ chỉ tăng 1% so cùng kỳ. Ngoại trừ Natsteelvina và Vinakyoei không hoàn thành kế hoạch năm, các đơn vị khác đều hoàn thành và hầu hết đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng mức tăng trưởng rất thấp.
Năm 2018 là năm đặc biệt khó khăn với các đơn vị thép dẹp. Sản lượng tiêu thụ các mặt hàng thép cán nguội, tôn mạ, ống thép đều giảm so với cùng kỳ và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị cũng khá thấp, một số đơn vị thua lỗ.
Chia sẻ về mức độ cạnh tranh của ngành thép, ông Lê Việt, Tổng Giám đốc công ty Tôn Phương Nam, cho biết sản lượng tôn mạ trong nước đạt 5 triệu tấn, trong khi nhu cầu chỉ ở mức 2 triệu tấn/năm. Mặt khác, tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc lớn, với giá rẻ, sản lượng lớn đang cạnh tranh khốc liệt với tôn Việt Nam.
Mặc dù cung đã vượt cầu rất xa, các đơn vị tôn thép mạ vẫn tiếp tục đầu tư tăng công suất ở khu vực phía Nam và phía Bắc, dẫn tới bất ổn về mặt tài chính của một số DN, buộc họ phải bán sản phẩm dưới giá thành để có tiền trả nợ cho ngân hàng, gây nên cạnh tranh ngày càng ngay gắt trên thị trường tôn mạ Việt Nam.
Ông Nguyễn Nguyên Ngọc, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, chia sẻ diễn biến giá và cạnh tranh trên thị trường thế giới năm qua hết sức phức tạp, giá dao động trong phạm vi nhỏ trong khoảng thời gian từ đầu năm và giảm mạnh dần vào cuối năm.
Xu hướng giá trong thời gian tới chưa rõ ràng và bị chi phối bởi nhiều biến cố kinh tế – chính trị đang diễn ra trên thế giới, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Giá thép xây dựng trong nước diễn biến phức tạp và sự gia tăng sản lượng của các nhà sản xuất thép trong nước đang làm thay đổi cơ cấu cán cân cung cầu so với trước đây. Bên cạnh đó là chính sách tăng thuế nhập khẩu của Mỹ, EU khiến thị trường thép trong nước khó khăn hơn do xuất khẩu bị đình trệ, ứ đọng.
Đồng thời, các chính sách của Nhà nước đối với nhập khẩu sắt thép vụn theo hướng gây bất lợi cho DN dẫn tới thị trường thép trong nước cạnh tranh gay gắt, DN tranh mua nguyên vật liệu nội địa để bù đắp nguyên liệu nhập khẩu thiếu hụt.
Năm 2019, VnSteel cho biết nhu cầu thép trong nước vẫn chưa cho thấy dấu hiệu tích cực. Một số dự án đầu tư công tạm dừng và chưa rõ thời điểm triển khai lại, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng.
Cung lớn hơn cầu về phôi thép, thép xây dựng, CRC, tôn mạ và tiếp tục gia tăng khiến cuộc cạnh tranh về giá sẽ là yếu tố chính trên thị trường. Khoảng cách giá nguyên liệu và sản phẩm ngày càng thu hẹp khiến hiệu quả của các DN sản xuất từ thép dài và thép dẹt sẽ bị sụt giảm nhiều.
Ông Phúc dự báo nhiều khó khăn hơn với VnSteel, Formosa, Hòa Phát và một số dự án mới đi vào hoạt động, làm cho miếng bánh thị phần càng thu hẹp hơn, cuộc chiến về giá để giành thị phần rất khốc liệt.
Trong khi đó, xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành thép. Việc áp các mức thuế chống bán phá giá từ các nước Mỹ, Canada, EU, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ… khiến cho xuất khẩu thép gặp khó khăn hơn.
Đồng thời, những yếu tố khách quan như lãi suất, tỷ giá tiếp tục xu hướng tăng, ảnh hưởng chi phí của DN. Một số đơn vị sản xuất thép dẹp mất cân đối tài chính nghiêm trọng, dẫn đến khả năng ngân hàng tiếp tục đưa ra các biện pháp siết chặt tín dụng cho các DN cán nguội và tôn mạ cũng như toàn ngành thép.
Đặc biệt, Chính phủ đã đồng ý tăng giá điện năm 2019, sẽ tác động trực tiếp đến chi phí giá thành của các đơn vị, trong khi giá đầu ra bị hạn chế do nguồn cung dư thừa. Yếu tố này càng gia tăng áp lực làm giảm hiệu quả của các đơn vị thuần sản xuất phôi thép, thép cán, tôn mạ.
Các chuyên gia cho rằng muốn tồn tại và phát triển, DN cần phải xây dựng chiến lược bài bản. Trước thực tế tình hình khó khăn, thử thách và cạnh tranh khốc liệt về giá trên tất cả thị trường, ông Ngọc cho biết Thép Miền Nam sẽ tiếp tục giữ vững thị trường truyền thống ở khu vực Tp.HCM, miền Tây và đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, DN rà soát cắt giảm các chi phí không cần thiết để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Có như vậy mới cạnh tranh được với các đối thủ.
Ông Lê Việt cho biết năm 2019, Tôn Phương Nam phấn đấu tiếp tục duy trì thị phần nội địa 10-12%, dành khoảng 5% cho xuất khẩu. Vì vậy, các giải pháp được thực hiện của DN là tiến hành tối ưu hóa công đoạn sản xuất, nâng cao chất lượng quản lý, đa dạng hóa nhà cung cấp nguyên liệu, tạo ưu thế về mặt chất lượng, dịch vụ, khách hàng..
"Hiệu quả của ngành tôn mạ phụ thuộc nhiều vào nắm bắt xu thế thị trường khi giá tăng, giá giảm, từ đó chúng tôi giữ tồn kho hợp lý, tối ưu hóa chi phí sản xuất nhằm tăng cường cạnh tranh về chất lượng, giá cả so với đối thủ", ông Việt chia sẻ.
Nguồn Thời báo Kinh doanh