Chủ Nhật, 24/11/2024 12:04:19 GMT+7
Lượt xem: 2817

Tin đăng lúc 24-02-2018

Thì thầm tuổi xuân

Trước hết hãy nhắc đến ý niệm đầu tiên về Tết, đối với tôi đó là tiền lì xì. Đối với trẻ nhỏ, một trong những điều ấn tượng nhất đó là những chiếc phong bao màu đỏ.
Thì thầm tuổi xuân
Ảnh minh họa

Phải nói rằng mùa Tết chính là mùa thu nhập của trẻ con. Dù ít ỏi hay là bội thu, con nít vẫn thích thú vô cùng.

 

Thuở nhỏ, con người ta vốn vô tư, chẳng nghĩ ngợi gì nhiều. Hoặc chỉ nghĩ đến đến chuyện hưởng thụ, chẳng mấy khi để cho những chuyện nao lòng tồn tại lâu trong tâm khảm, hoặc nếu có thì cũng sẽ quên đi chẳng mấy chốc. Nhưng càng thêm tuổi, những ý niệm về những biến cố trong cuộc đời bắt đầu dần dần hằn sâu hơn, thay thế cho những hồn nhiên của tuổi thơ ngày càng trở nên mai một.

 

Mỗi lần nhìn lại những năm cũ, tôi rất ngạc nhiên khi thấy những năm xưa đã đi qua và để lại không khác gì hơn là những con số tuần tự cứ đếm theo những số tới. Không thể nào nhớ lại rằng trong những cái Tết và những năm đã qua đó, mình đã từng làm được những gì và đã sống như thế nào. Người ta chỉ nhớ đến những ký ức và những kỷ niệm riêng biệt cụ thể và đáng nhớ, nhưng không ai có thể nhớ hết được tất cả đủ thứ những chuyện lớn chuyện nhỏ. Chỉ tư lự ngẫm nghĩ rằng thì ra mình cũng đã từng lặn hụp trong những ngày tháng đó. Rốt cuộc, tuy gọi chúng là những năm cũ đã trôi qua, nhưng trên thực tế, bây giờ nhìn lại, trong mắt mình những năm cũ cũng có khác gì những năm mới? Nghĩa là hầu hết mình chẳng còn nhớ được mấy chút về những gì mình đã sống qua đó.

 

Có lẽ chính vì vậy, mà trong những tác phẩm văn học, những truyện tranh Doremon, cho đến những phim thuộc thể loại “đi ngược thời gian về quá khứ”, nhân vật chính hầu như vẫn hoàn toàn bỡ ngỡ khi được dịp đi ngược về quá khứ và đối diện những ngày xa xưa đó mà người ấy đã từng sống qua trước kia. Vả lại, tuy gọi là cũ, nhưng đã lâu không được sống lại và trải nghiệm lại với những ngày tháng ấy, thì tất cả đối với chúng ta vẫn như thể là mới. Nói về ngày tháng cũ, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết “có lũ kỷ niệm trước sau” (bài hát Nghìn trùng xa cách). Ký ức và quá khứ cũng giống như những bến mê rốt cuộc cũng như thực như ảo mà mình đã khắc họa cho cuộc đời mình, cho tới ngày hôm nay.

 

Khi nói về điều này, nhà văn André Maurois chỉ kết luận: “Khi tôi nhìn lại chiếc kim tự tháp mà tôi mơ ước xây dựng cho cuộc đời mình. Cuối cùng cũng chỉ đành ngoảnh mặt quay đi trước một kim tự tháp hình thù đã bị méo mó biến dạng". Mấy ai có thể tự hào là đã xây dựng một kim tự tháp ngoạn mục cho cuộc đời mình?

 

Ngày Tết cũng đồng nghĩa với mỗi năm mỗi cộng thêm một tuổi. Thuở nhỏ tôi vẫn thầm tự nhủ, mong cho mau tới tuổi lên 10. Trong mắt nhìn của đứa nhỏ là tôi, những anh chị lên 10 tuổi thật là đáng nể. Họ hơn mình những ba, bốn tuổi kia mà. Hẳn là ở cái tuổi đó, người ta đã ra vẻ “lớn” hẳn so với lũ nhóc tì chúng tôi. Lúc đó, tôi ước phải chi mấy cái Tết có thể diễn ra nhanh hơn nữa để mình được 10 tuổi.

 

Đến chừng lúc đã 10 tuổi, ngẫm lại tôi cũng chẳng thấy có gì khác lạ so với bao tuổi khác, có lẽ chỉ khác so với những đứa nhỏ là bây giờ mình đã học ở lớp cuối cấp của bậc tiểu học. Trong dự cảm của một đứa nhỏ, tôi cũng mơ hồ nhận ra mình đã mất đi những năm tháng tuổi thơ không thể nào quay đầu lại được nữa rồi.

 

Bây giờ tôi lại nhớ đến đoạn văn của nhà văn người Pháp Anatole France khi ông ngồi trên ghế đá ở vườn Luxembourg (còn gọi là vườn Lục Xâm Bảo, ở Paris), mắt nhìn thấy một cậu học sinh bé nhỏ tất tưởi vai đeo cặp, vội vã chạy băng qua công viên để đến trường dự lễ khai giảng. Quang cảnh đó khiến ông chơt chạnh lòng nhớ lại tuổi thơ ấu của mình và tự hiểu rằng cậu bé đó cũng là hình bóng của mình năm xưa. Nhà văn viết: “Cậu bé đó là tôi năm nào, nay đã không còn nữa”.

 

Vậy bao nhiêu cái xuân mới gọi là già? Trong truyện ngắn “Anh thợ hớt tóc” của nhà văn người Ý Alberto Moravia, có nói về một anh thợ hớt tóc đã ngoài 50 tuổi, anh ta đi ra phố thường hay tán tỉnh các bà các cô. Cho đến một hôm, có người chê rằng ông đã già khú thế mà còn không đứng đắn, thử soi gương lại mà xem. Câu nói đó khiến anh ta nghĩ lại và đâm ra tự ti, chẳng dám hé môi bỡn cợt với phái nữ lấy một câu nữa. Từ đó cuộc sống của anh tẻ nhạt hẳn, mất hết sinh khí. Rồi một biến cố xảy đến, khi anh ta chứng kiến một đám cưới với chú rể còn già khú và xấu trai hơn anh ta nữa, thế mà vẫn cưới được gái trẻ. Kể từ đó, anh ta lại yêu đời và nhận thấy mình lại tiếp tục cà rỡn, đi ra đường tán tỉnh phái nữ như trước.

 

Nguồn Nongnghiepvn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang