Sau 10 năm gia nhập WTO
Nhìn lại chặng đường 10 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, ban đầu có nhiều lo ngại rằng khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, sự xuất hiện và thâu tóm của các “ông lớn” bán lẻ từ nước ngoài có thể làm sụp đổ kênh phân phối bán lẻ truyền thống cũng như hiện đại của Việt Nam. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt Nam đã không bị phụ thuộc mà từng bước thích ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đến nay, thị trường bán lẻ Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng. Nếu năm 2010 chỉ đạt 88 tỷ USD thì đến năm 2016 đạt 158 tỷ USD, vượt xa con số dự báo của nhiều hãng nghiên cứu thị trường nước ngoài.
Với làn sóng mua bán – sáp nhập (M&A) bùng nổ trong vài năm trở lại đây, điển hình như vụ mua bán – sáp nhập Metro gồm 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu Euro và BigC Việt Nam với 32 siêu thị trị giá 1,14 tỷ USD… Có thể thấy, thị trường bán lẻ tại Việt Nam hiện đang “nóng” hơn bao giờ hết. Điều này được cho là sẽ mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển, song, trong thời đại công nghệ 4.0, cùng với thay đổi trong xu hướng tiêu dùng… nó cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho các nhà bán lẻ Việt Nam.
Sự mở rộng mạnh mẽ của các cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ
Theo báo cáo tại Diễn đàn Bán lẻ Việt Nam 2017 được tổ chức vào tháng 12 vừa qua, sau 10 năm gia nhập WTO, điểm nhấn của ngành Bán lẻ Việt Nam là sự mở rộng ngày càng mạnh mẽ của các cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ. Đây luôn là một thị trường tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Hiện nay, cả nước có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm; 150 trung tâm thương mại, gần 9.000 khu chợ và khoảng 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ. Với dân số gần 92 triệu người thì tiềm năng của ngành bán lẻ tại Việt Nam là cực kỳ lớn.
Theo báo cáo của Công ty Tư vấn A.T Kearney (Hoa Kỳ), cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ là phân khúc phát triển nhanh nhất tại nước ta. Tính đến nay, FamilyMart đã có 100 cửa hàng và dự kiến sẽ có hơn 800 cửa hàng vào năm 2020. 7-Eleven của Nhật lên kế hoạch mở 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm. Với Vinmart+, hệ thống này dự kiến sẽ nâng con số gần 1.000 cửa hàng năm 2016 lên khoảng 2.500 cửa hàng tính đến cuối năm 2017.
Mức tăng trưởng của cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ trong vài năm qua khá ấn tượng. Theo Nielsen cho biết, tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017 là 7,7%, cao hơn mức 6,1% của kênh truyền thống; sản lượng tăng trưởng kênh hiện đại đạt 6,3%, cao gấp 1,34 lần kênh truyền thống.
Hấp dẫn các nhà bán lẻ nước ngoài
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhập siêu hàng Thái vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017 đã lên đến 3,5 tỷ USD. Hàng Thái hiện đã có mặt gần 9.000 chợ lớn nhỏ và trong các siêu thị hàng tiêu dùng, hàng điện máy. Ở các thành phố lớn, hàng Thái chiếm từ 30 - 50% thị phần.
Trong khi đó, hàng Nhật cũng không kém cạnh khi ngày càng nhiều các siêu thị, cửa hàng thương hiệu lớn tại xứ sở hoa anh đào xuất hiện tại Việt Nam như: AEON, Ministop, Family Mart, Tokyo Deli, 7 Eleven.… liên tiếp được mở ra nhằm mở rộng thị phần và đáp ứng nhu cầu người dân. Chuỗi cửa hàng Sakura chuyên bán hàng Nhật nội địa chỉ sau 6 năm hiện đã phát triển đến 10 cửa hàng. Còn chuỗi cửa hàng TokyoLife phát triển đến 18 cửa hàng tại Hà Nội; 2 cửa hàng tại TP.HCM và 35 cửa hàng tại các tỉnh thành khác nhau…
Hàng Nhật đang phủ sóng khắp thị trường Việt
Gần đây nhất là sự “đổ bộ” của 2 thương hiệu thời trang bình dân nổi tiếng thế giới là H&M của Thụy Điển và Zara của Tây Ban Nha vào Việt Nam, gây áp lực cho các DN sản xuất và kinh doanh thời trang của Việt Nam.
Qua đó thấy được mức độ quan tâm ngày càng tăng của giới đầu tư nước ngoài đối với thị trường bán lẻ Việt Nam.
Cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt
Thị trường bán lẻ sôi động không chỉ là cơ hội kinh doanh của các DN ngoại mà cũng là động lực để các DN nội cải thiện chất lượng nâng sức cạnh tranh. Bởi với mục tiêu tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nhiều DN nước ngoài tại Việt Nam đang mong muốn tìm được những đối tác, bạn hàng phù hợp tại thị trường Việt Nam để cung ứng hàng hóa, sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh nhằm giảm tỉ lệ nhập khẩu từ nước ngoài và tăng tỉ lệ sản xuất nội địa.
Điển hình là hệ thống Siêu thị Aeon, chính sách hàng hóa của Aeon tại Việt Nam là dành 80% cho hàng Việt và 20% còn lại là hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản và các quốc gia khác. Đây là cơ hội tốt giúp các DN Việt mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và vươn ra cả thị trường Nhật Bản. Các sản phẩm uy tín của Việt Nam cũng có cơ hội xuất hiện trong hệ thống phân phối của các nhà bán lẻ quy mô lớn.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam thì các DN Việt hiện vẫn gặp khó khăn khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị bán lẻ hiện đại. Bởi để tham gia vào các hệ thống phân phối bán lẻ này thì cần phải đáp ứng nhiều quy định, quy trình khá ngặt nghèo, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm – điều mà rất nhiều DN Việt còn yếu kém. Do vậy, các DN Việt Nam cần có hoạch định chiến lược để sản xuất ra những sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.
Tại Việt Nam thời gian qua, các cơ quan Nhà nước đã có nhiều chính sách cũng như hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các DN trong nước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, Bộ Công Thương đã tiếp cận một số hệ thống phân phối nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam như Aeon, Wallmart, Lotte… cũng như một số hệ thống chưa có mặt tại Việt Nam như Co.op Italia, Central Group, Metro của Đức… để đẩy mạnh phân phối trực tiếp sản phẩm Việt Nam vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thì các hiệp hội cũng cần liên kết với nhau để tạo ra những nhóm cung cứng sản phẩm lớn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận thị trường. Đặc biệt, các DN trong nước cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa với giá cả hợp lý để nâng cao sức cạnh tranh, khẳng định vị thế và hơn hết là chiếm được lòng tin của người tiêu dùng./.
Quỳnh Anh