Chủ Nhật, 24/11/2024 16:03:02 GMT+7
Lượt xem: 3315

Tin đăng lúc 27-05-2018

Thị trường bán lẻ Việt và cuộc "chinh chiến" của các đại gia Thái

Các nhà đầu tư Thái Lan được dự báo sẽ tiếp tục "chinh chiến" thị trường bán lẻ Việt thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phẩn. Tuy nhiên, đặt ra thách thức cho hàng hóa Việt Nam.
Thị trường bán lẻ Việt và cuộc "chinh chiến" của các đại gia Thái
Ảnh minh họa

Tính đến tháng 3/2018, vốn lũy kế đăng ký của các nhà đầu tư Thái trị giá hơn 9,3 tỷ USD với 490 dự án, xếp thứ 10 trong tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

 

Bùng nổ đầu tư

 

Hiện, các nhà đầu tư Thái nắm hầu hết các ngành bán lẻ khi có đầy đủ những loại hình từ trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, trung tâm điện máy, cửa hàng tiện lợi với một loạt thương hiệu Big C, MM Mega Market, Robins, Nguyễn Kim, Bmart, Lan Chi Mart, C-Epress...,

 

Central Group Việt Nam (CGV) năm 2015, sau hơn 4 năm thành lập, CGV đã mua 49% cổ phần tại Nguyễn Kim. Năm 2016, CGV liên tiếp sở hữu 2 thương hiệu khác là Big C Việt Nam và Lan Chi Mart. Thông qua các thương vụ M&A để thâu tóm các thương hiệu bán lẻ, Central Group Việt Nam còn đưa các thương hiệu từ Thái và các nước khác vào Việt Nam.

 

Tính đến nay, Central Group Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới bán lẻ rộng lớn khi có đến 230 trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng. Nhà đầu tư này tập trung vào bán lẻ đa ngành và đa kênh, gồm đại siêu thị và siêu thị Big C, hệ thống cửa hàng tiện lợi C-Express, siêu thị điện máy và trang thương mại điện tử Nguyễn Kim, hệ thống siêu thị Lan Chi Mart, trung tâm mua sắm Robins, hệ thống cửa hàng thời trang Dalala, cửa hàng thể thao Supersports, văn phòng phẩm B2S và một loạt thương hiệu quốc tế như Lee, F&F, Crocs, Fila...

 

Năm 2017, Central Group Việt công bố đầu tư khoảng 30 triệu USD để nâng diện tích mặt bằng cho thuê tại Việt Nam lên gấp đôi so với mức 470.000m2 đang có. Cùng với đó, Central Group - công ty mẹ tại Thái Lan cũng muốn đầu tư thêm 6,4 tỷ USD trong 5 năm tới để mở rộng thị trường nội địa và nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam. Bởi với doanh nghiệp này, Việt Nam là trọng tâm trong kế hoạch đầu tư mở rộng hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ và khách sạn.

 

Đây là thị trường tiềm năng và được kỳ vọng phát triển gấp 4 lần về doanh thu cho Tập đoàn trong 5 năm tới. Năm nay, Central Group hướng tới doanh thu gần 13 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2017. Theo ông Tos Chirathivat - CEO Central Group, đến năm 2022, Tập đoàn dự định nâng số cửa hàng tại Thái Lan từ 4.970 lên hơn 7.500 và mở thêm hơn 500 cửa hàng tại Việt Nam.

 

Còn với BJC - công ty con của TCC Holdings, người tiêu dùng cũng khó đoán được mức độ phủ thị trường bán lẻ của đơn vị này. Vì chỉ với MM Mega Market, BJC đã có 19 trung tâm thương mại cùng với 3 trạm trung chuyển tại Đà Lạt (cung cấp rau củ quả tươi), Đồng Nai (thịt heo tươi sống), Cần Thơ (thủy sản) và 2 tổng kho trung chuyển cung cấp thực phẩm tươi. Đó là chưa kể hệ thống cửa hàng tiện lợi Bsmart đang phủ rộng tại các thành phố lớn.

 

Năm 2016, sau khi hoàn tất thương vụ chuyển nhượng Metro Cash & Cary với phía Đức, BJC đã thay đổi nhận diện thương hiệu (chuyển tên thành MM Mega Market Việt Nam) và thực hiện chiến lược kinh doanh với mô hình B2B và B2C, trong đó tập trung 70% cho B2B và 30% cho B2C.

 

Ông Phidsanu Pongwatana - Giám đốc Điều hành MM Mega Market Việt Nam cho biết, Công ty đang xây dựng trạm trung chuyển thịt heo đầu tiên tại miền Bắc. Năm tới, MM Mege Market Việt Nam sẽ mở từ 1 - 3 trung tâm phân phối ở phía Bắc mà trung tâm đầu tiên là tại Hà Nội. Chuẩn bị cho kế hoạch này, MM Mega Maket đang cần tuyển dụng hơn 700 nhân sự.

 

Các nhà đầu tư Thái quan tâm tới thị trường Việt Nam vì Việt Nam đang có hướng phát triển như Thái Lan vài thập niên trước, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và tầng lớp trung lưu ngày càng đông. Bên cạnh đó, dân số trẻ, xu hướng tiêu dùng tăng mạnh và hàng rào thuế quan nhiều mặt hàng đã xuống mức 0% giúp Việt Nam trở thành thị trường rất lớn trong khu vực ASEAN.

 

Bài toán cạnh tranh

 

Theo Forbes, các tập đoàn Thái Lan đang nhìn thấy nhiều cơ hội từ thị trường Việt Nam trong bối cảnh quê nhà ảm đạm.

 

Ở Việt Nam, các hãng bán lẻ Việt vẫn chưa thể thích ứng kịp và đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng cả về chất lượng và số lượng. Thế hệ người tiêu dùng trẻ ở các thành phố lớn cũng cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận các sản phẩm ngoại. Đặc biệt, hàng Thái rất được chào đón vì chất lượng cao và bao bì hấp dẫn.

 

Bên cạnh đó Việt Nam cũng có cơ cấu dân số lý tưởng để ngành bán lẻ phát triển, với nhóm từ 15 đến 64 tuổi chiếm tỷ trọng hơn 70% trong 2 năm gần đây. Điều này giúp ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng trung bình lên tới 8% trong 2 năm qua.

 

Các công ty Thái đã để mắt đến thị trường sinh lợi này. Ngày càng nhiều sản phẩm xuất xứ Thái Lan xuất hiện trên kệ bán hàng và Forbes dự đoán xu hướng sẽ tiếp tục tiếp diễn cho đến ít nhất là năm 2030.

 

Có thể nói, việc người Thái nắm giữ những ngành hàng chính như tiêu dùng, bán lẻ trong bối cảnh thị trường nội địa Việt Nam đang phát triển nhanh, người tiêu dùng đang gia tăng chi tiêu, thì sẽ là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam. 

 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tỏ ra rất lo ngại trước diễn biến người Thái thâm nhập ngày càng sâu thị trường Việt Nam. Theo ông, khi chiếm tỉ lệ áp đảo, nhà đầu tư Thái sẽ giữ quyền quyết định và dẫn đến những hệ lụy chưa thể lường trước được nhưng chắc chắn rất bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Kịch bản có thể dễ nhận thấy nhất là khi đã giữ quyền chi phối, doanh nghiệp Thái sẽ kiểm soát khu vực phân phối, đưa hàng Thái vào thay thế hàng Việt.

 

Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm hàng đầu tại TPHCM nhìn nhận, trong bối cảnh hàng Việt chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ kênh phân phối hiện đại, may mắn vẫn còn đến 70% dân số từ khu vực nông thôn. Theo đó, doanh thu từ các kênh truyền thống vẫn còn chỗ đứng cho hàng Việt. Nhưng thời gian cho doanh nghiệp đã hết vì đại bộ phận các dòng thuế trong khu vực ASEAN đang tiến về mức 0%. Nếu mỗi doanh nghiệp không nhanh chóng định vị rõ khách hàng của mình thì nguy cơ mất thị phần là tất yếu. Nếu chúng ta không liên kết trong sản xuất và phân phối hàng hóa thì không chỉ các doanh nghiệp bị “nuốt chửng” mà người tiêu dùng sẽ bị chi phối về giá, bởi lẻ mở cửa thị trường, ai nắm hệ thống phân phối sẽ có quyền quyết định đến sản xuất. Đây là quy luật khắc nghiệt của hội nhập kinh tế.

 

Theo Enternews

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang