Đại diện CBRE Việt Nam cho biết, trong quý II/2018, có 6.534 căn hộ được chào bán từ 19 dự án trên toàn thành phố, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, quay về mốc quý II/2016. Các dự án mở bán chủ yếu đến từ khu vực phía Tây và phía Bắc thành phố chiếm lần lượt 53% và 25% lương căn mở bán mới trong quý. Lý giải về mức sụt giảm, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng đây là thời điểm các chủ đầu tư đang tập trung rà soát lại các sản phẩm hiện tại để chuẩn bị ra mắt vào cuối năm và cũng là để thị trường điều tiết và hấp thụ các sản phẩm chưa bán hết ở các quý trước đây.
Bà Đặng Phương Hằng, Giám đốc CBRE Việt Nam nhận định: “Đây là tín hiệu tốt vì thị trường đi vào ổn định, kỳ vọng thị trường sẽ không chứng kiến nhiều vấn đề liên quan đến tăng trưởng nóng rồi chững lại 1 thời gian. Quý II/2018 được coi là bước điều chỉnh của thị trường trước khi bước vào phát triển mới”.
Các chuyên gia của CBRE cho biết quý II/2018 cũng ghi nhận nhiều sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam giúp chủ đầu tư có nhiều điều kiện huy động vốn tốt hơn trong bối cảnh tín dụng vào bất động sản không quá thuận lợi, lãi suất trong xu hướng tăng. Theo đó bất động sản đang chịu áp lực lớn từ việc gia tăng lãi suất ngân hàng. Tín dụng vào bất động sản đang được Ngân hàng Nhà nước tăng hệ số rủi ro khi cho từ 150% lên 200%, năm 2019 có thể lên tới 250% theo lộ trình. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 50% xuống 45% vào năm 2018 và có thể xuống 40% vào năm 2019. Lãi suất cho vay bất động sản có thể tăng thêm 1-2% do thêm áp lực từ bên ngoài như giá dầu, đồng USD tăng...
Trước những khó khăn trên, các chủ đầu tư cũng đã và đang da dạng hóa kênh huy động vốn của mình như niêm yết trên sàn chứng khoán, phát hành trái phiếu quốc tế. Đây hứa hẹn sẽ là kênh huy động vốn tốt giúp chủ đầu tư không còn bị phụ thuộc vào kênh vay vốn ngân hàng.
Báo cáo của CBRE cho biết, nửa cuối năm 2018, kỳ vọng sẽ tập trung vào các sản phẩm khác biệt về quy mô, tính năng sản phẩm, cảnh quan... bởi nhu cầu mua nhà của người dân ở các đô thị lớn đang tiếp tục thay đổi trong thời gian tới. Hiện nhu cầu mua nhà của người dân đã khác với 7-10 năm trước, khi họ khá kỹ tính trong việc lựa chọn căn nhà của mình, liệu 5-10 năm nữa có an toàn hay không, có bị lỗi thời hay không. Điều này càng thêm kỳ vọng vào các sản phẩm có tính năng sử dụng mới bằng năng lượng sạch, nhà thông minh... sẽ được chủ đầu tư giới thiệu trong thời gian tới.
Liên quan đến phân khúc thị trường mặt bằng bán lẻ, khu vực Đống Đa – Ba Đình và khu phía Tây tiếp tục chiếm lĩnh thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội và chiếm hơn 50% tổng diện tích cho thuê. Tính đến hết năm 2018, xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì khi 5 trong số 6 trung tâm thương mại mới dự định đi vào hoạt động tại khu vực này.
Trước áp lực từ nguồn cung mới trong năm 2018, khu vực ngoài trung tâm có sự điều chỉnh giữa tỷ lệ trống và giá chào thuê. Khu Đống Đa – Ba Đình và phía Tây nơi tập trung phần lớn mặt bằng bán lẻ có giá chào thuê đạt 28,7 USD/m2/tháng, giảm 0,3% theo năm nhưng tăng 1,1% theo quý. Tương tự, giá chào thuê các khu vực ngoài trung tâm khác có xu hướng giảm, đạt 24,1 USD/m2/tháng, giảm 2,4% theo năm và 0,3% theo quý. Mặt khác, tỷ lệ trông tại các khu vực ngoài trung tâm đều tăng với áp lực nhiều nguồn cung mới tính đến hết năm 2018. Trong đó, tỷ lệ trống khu Đống Đa – Ba Đình và phía Tây nơi nhiều nguồn cung hiện hữu đạt 14,4%, các khu vực ngoài trung tâm khác đạt 5,8%.
Nửa đầu năm 2018, có thêm nhiều nhãn hàng bán lẻ quốc tế mở rộng và phát triển thị trường Việt Nam. Thị trường Hà Nội cũng đón nhận thêm nhiều nhãn hàng bán lẻ mới như Xiaomi, Lyn và mở rộng chuỗi bán lẻ H&M, hướng tới người tiêu dùng trẻ tuổi. Do đó, sự cạnh tranh trên thị trường được dự báo sẽ ngày càng tăng, thúc đẩy các nhà bán lẻ nội địa cải thiện sản phẩm và hoạt động bán hàng. Sự hình thành và phát triển của các dự án nhà ở tại các khu vực mới, mở rộng các khu vực đông dân cư cũng tạo điều kiện và nhu cầu cần thiết cho phát triển mặt bằng bán lẻ tại các khu vực này.
Theo báo Công Thương